Cùng nhau giữ gìn hoa viên

.

Công viên mini nằm lọt thỏm giữa 3 con đường An Nhơn 1, An Nhơn 3, An Nhơn 8 thuộc phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) được người dân nơi đây gọi là “hoa viên”. Không chỉ quét dọn, tưới cây, người dân còn góp cho công viên này những chiếc ghế đá, thiết bị tập thể dục, mong nơi đây mãi là không gian sống lý tưởng của cộng đồng…

Đều đặn mỗi sáng, bà Đặng Thị Mâu (65 tuổi, trú 25 An Nhơn 8, phường An Hải Bắc) ra trước nhà quét dọn. Quét xong khu vực trước nhà mình, bà quét thêm vỉa hè nhà hàng xóm, rồi quét qua đến công viên mà chẳng hề nề hà hay than phiền. Bà xem việc quét dọn mỗi ngày chỉ là “chuyện nhỏ”, nhìn thấy rác, lá cây vương vãi mà không quét mới là “chuyện lớn”. Cứ thế, tiếng chổi của bà Mâu xào xạc qua từng lớp lá đến khi nào công viên sạch mới thôi.

Chuyện bà Mâu quét dọn công viên mỗi sáng khiến bà Bùi Thị Tý (73 tuổi, trú 21 An Nhơn 8) xúc động. Sáng nào bà Tý cũng quét dọn phần vỉa hè trước nhà, thi thoảng cùng mấy người bạn tập thể dục trong công viên dọn dẹp thay bà Mâu. Mọi việc làm đều diễn ra trên tinh thần tự nguyện, không ai bảo ai, chỉ với mong muốn khu công viên trước nhà thêm phần xanh, sạch. Bà Tý nói: “Nhiều năm nay, tầm 5 giờ sáng tôi ra công viên tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ. Công viên là của chung nên mỗi người tự ý thức không được xả rác, thấy rác là dọn. Do đó, cái công viên rộng chừng 1.200m2 nhưng không khi nào có rác hay túi ni-lông vương vãi, có chăng là lá cây rụng xuống phải quét dọn, gom lại mà thôi”.

Giữa bãi cỏ xanh tại công viên này, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng đặt một tấm bảng, ghi nội dung cấm: chăn thả gia súc, gia cầm; buôn bán hàng rong; tổ chức ăn uống, đá bóng; hái hoa, giẫm đạp lên bãi cỏ. Trên các lối đi quanh công viên có gần chục ghế đá mà phần lớn do sự đóng góp của chính người dân trong khu vực. Có thể kể ra như chiếc ghế đá do bà Đặng Thị Mười, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 6B tặng; hay chiếc ghế do gia đình ông Minh, chiếc của Chi bộ 6B tặng.

Cũng có vài ghế đá người dân nào đó âm thầm mang đến đặt tại công viên. Chiếc nào cũ, hư hỏng, sẽ được người dân mang ra khỏi công viên và thay thế bằng chiếc mới. Ngoài ra, phải kể đến 5 bộ tập thể dục đặt tại công viên là của bà Đặng Thị Hộ (đã mất) đóng góp. Người dân kể, bà Đặng Thị Hộ khi còn sống rất yêu quý không gian xanh trước nhà, nên khi hấp hối đã dặn con cháu trích một phần tiền phúng điếu mua 5 bộ thiết bị để bà con trong khu vực tập thể dục, tăng cường sức khỏe.

Đến công viên này, nghe người dân trong khu vực nói chuyện, mới thấy họ yêu thương và gìn giữ cảnh quan nơi này như thế nào. Bãi cỏ xanh mướt, những cây bàng, cây phượng cành nhánh vươn cao, tỏa bóng mát hơn nửa diện tích hoa viên, ở giữa là thảm hoa khoe sắc.

“Tiền thân” của công viên này là bãi đất trống nhếch nhác, nơi người dân dựng nhà tạm và để các vật dụng không còn dùng tới. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nữ, nguyên Bí thư Chi bộ 6B (gồm tổ dân phố 12, 13 phường An Hải Bắc), là người có công vận động người dân chung tay giữ gìn khu hoa viên này. Bà Nữ nói, trước năm 2007, khu đất được thành phố quy hoạch làm công viên mini nằm giữa khu dân cư 6B nhưng nhiều năm không quan tâm đầu tư khiến cỏ mọc um tùm, người dân dựng nhà tạm, vạt đất trồng rau rất nhếch nhác, mất mỹ quan. Thời điểm đó, bà mới làm Bí thư Chi bộ nhưng đã không ngần ngại viết một số tâm thư gửi lãnh đạo thành phố, đề nghị hỗ trợ bà con đẩy nhanh tiến độ xây dựng công viên.

Trước nguyện vọng của người dân, thành phố đã giao các ngành chức năng khảo sát, xây dựng công viên diện tích 1.200m2, giao cho UBND phường An Hải Bắc quản lý, giao Công ty Công viên - Cây xanh tạo cảnh quan khu vực. Có cơ sở vật chất ban đầu, bà con mỗi người một tay góp ghế đá, tưới cây, dọn dẹp vệ sinh và tạo thành nếp nhiều năm qua. “Chúng tôi ý thức rằng, gìn giữ công viên là gìn giữ môi trường sống, giữ cảnh quan xanh, đẹp trước nhà mình, ở khu vực mình. Sự góp sức ấy không to tát gì, nhưng nó thể hiện tinh thần đoàn kết, là tình làng nghĩa xóm của người dân khu vực 6B, đó mới là điều quý nhất”, bà Mỹ đúc kết.

 HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.