Trong giai đoạn 2010-2020, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đã có những bước chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ý thức chủ động chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nam Dương và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bình Hiên (quận Hải Châu) tổ chức tập huấn kiến thức cho các chi hội phụ nữ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: L.P |
Trong 10 năm qua, với sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố được thực hiện chặt chẽ, từng bước được nâng cao, hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của mỗi cơ quan, mỗi cấp, ngành, địa phương.
Trong đó, phải kể đến sự phối hợp giữa Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân.
Theo ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch phối hợp được ký kết hàng năm và mỗi giai đoạn giữa Sở Tư pháp và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chỉ đạo Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên triển khai kịp thời.
Trọng tâm là tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố như: Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy về nội dung “5 xây”, “3 chống”, Chương trình “Thành phố 4 an”, Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” gắn với 5 nội dung thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Trong giai đoạn 2010-2020, Mặt trận thành phố đã phát hành hơn 7.000 bản tin “Vì Đà Nẵng bình yên và phát triển”, hằng tháng cấp 120 cuốn Thông tin công tác Mặt trận đến cán bộ Mặt trận quận, huyện, phường, xã; cấp phát Báo Đà Nẵng hằng ngày đến Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 7.000 buổi tuyên truyền miệng với 1.480.492 lượt người tham dự; phát hành 9.543 sách hỏi đáp pháp luật, 349.113 bản tin, 799.932 tờ gấp, tờ rơi đến nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng khu dân cư, có liên quan mật thiết đến đời sống hằng ngày của người dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật bình đẳng giới, Luật giao thông đường bộ, Luật An toàn thực phẩm...
Ông Huỳnh Báo Hảo cho biết, hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo, hòa giải nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở. Đồng thời củng cố, kiện toàn 42 CLB “Nông dân với pháp luật” tại 42 cơ sở Hội nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở đến các thành viên của Hội. Thông qua đó, đã góp phần bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để hội viên, nông dân hăng hái tham gia, thi đua trong các phong trào nông dân.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, hằng năm, phối hợp với Sở Tư pháp ký kết chương trình phối hợp về việc đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, hiệu quả từ công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trong thời gian qua đã góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến với phụ nữ nói riêng và người dân nói chung, từ đó góp phần giảm thiểu các vụ tranh chấp dân sự, mâu thuẫn gia đình, làng xóm, hạn chế các vi phạm pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, thực hiện quyền bình đẳng giới và nâng cao vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
D.M