Giải báo chí là công trình mang dấu ấn tập thể

.

Để hình thành một tác phẩm báo chí cần rất nhiều thời gian, công sức của phóng viên, nhà báo. Ngoài ra, nếu một tác phẩm hướng đến việc tham dự và đạt các giải thưởng báo chí thì còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Đó không chỉ là tác phẩm, thành quả của cá nhân mà đôi khi còn là cả một công trình lớn của tập thể, tòa soạn báo.

   Muốn có tác phẩm đoạt giải báo chí cao đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của người làm báo. TRONG ẢNH: Phóng viên  Báo Đà Nẵng (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) nhận giải nhất giải báo chí thành phố năm 2019.  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Muốn có tác phẩm đoạt giải báo chí cao đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của người làm báo. TRONG ẢNH: Phóng viên Báo Đà Nẵng (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) nhận giải nhất giải báo chí thành phố năm 2019. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Thời gian gần đây, ngoài giải báo chí địa phương, giải báo chí quốc gia, ngày càng có nhiều “sân chơi” dành cho đội ngũ báo chí, phóng viên trên địa bàn do Thành ủy, UBND thành phố, Hội Nhà báo thành phố, các sở, ngành tổ chức. Những sân chơi này được xem như một địa chỉ để ghi nhận sự lan tỏa của báo chí trong đời sống thường ngày.

Theo nhà báo Công Khanh (Báo Công an thành phố Đà Nẵng), hầu hết các phóng viên, nhà báo bắt đầu viết tác phẩm của mình không phải nhằm mục đích để dự thi mà chính là đáp ứng nhiệm vụ hằng ngày của tòa soạn. Đây là góc nhìn, cách khai thác của phóng viên cũng là quan điểm của tờ báo trước những đề tài, câu chuyện đang xảy ra trong thực tế. Có thể là điều tích cực cần sự hưởng ứng, lan tỏa, nhưng có khi lại là vấn đề cần phản biện vì ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thông thường, trước khi bắt tay thực hiện đề tài, người viết cần xác định mục đích hướng tới, suy nghĩ xem với câu chuyện mà mình sắp đề cập thì phải giải quyết được những vấn đề gì, sẽ đi những đâu, gặp những ai để có cái nhìn đa chiều…

“Mỗi tờ báo đều có một tôn chỉ riêng, dù mục đích có thể giống nhau nhưng cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề cần có sự khác biệt. Phóng viên là người trực tiếp thực hiện, nhưng sẽ khó có một tác phẩm chất lượng nếu không có “bàn tay” của biên tập viên, định hướng trong bài viết của Ban Biên tập và thậm chí là các ý tưởng về mặt hình thức của đội ngũ kỹ thuật”, nhà báo Công Khanh chia sẻ. Nhà báo Công Khanh cũng thông tin thêm, ở Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong tương tác với người dân và chính quyền địa phương. Lãnh đạo thành phố từng nói “càng tương tác với báo chí, Đà Nẵng càng có lợi”, do đó thành phố xem báo chí là kênh thông tin hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính sự cởi mở này tạo điều kiện cho phóng viên, nhà báo tiếp cận thông tin để từ đó, người viết có tư liệu để tìm hiểu sâu, đầu tư cho các đề tài dài hơi, các tuyến bài viết chất lượng…

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Triệu Văn Tùng, Phó phòng Kinh tế Báo Đà Nẵng cho rằng, để thực hiện tác phẩm báo chí có chất lượng, trước tiên người làm báo cần có thái độ làm việc nghiêm túc, trong đó có việc tích lũy, trao dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ báo chí lẫn các lĩnh vực, ngành mà phóng viên được phân công phụ trách. Người làm báo địa phương cần chủ động nắm bắt, thẩm thấu các chủ trương, chính sách; những kế hoạch, chương trình đầu tư phát triển để trang bị những kiến thức nền tảng xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) trao giải tại Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố năm 2020.  Ảnh: HẢI ÂU
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) trao giải tại Cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thành phố năm 2020. Ảnh: HẢI ÂU

Từ thực tiễn xã hội và hoạt động nghề nghiệp mà nảy sinh hoặc nắm bắt được đề tài, chọn đề tài làm chìa khóa mở ra cho hoạt động sáng tạo nghề nghiệp. Nhiều phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên địa bàn thành phố cho rằng, Đà Nẵng là một từ khóa rất “hot”. Chính sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương đi kèm với đó là các vấn đề chủ quyền biển đảo, câu chuyện về thành phố “4 an”, du lịch, môi trường sống, đầu tư, điểm đến của các sự kiện quốc tế... luôn là đề tài hấp dẫn cho báo chí và cũng là thử thách thú vị cho người làm báo.

Kinh nghiệm từ quá trình tổ chức và thực hiện các tác phẩm báo chí có chất lượng, đạt giải qua các cuộc thi báo chí của Trung ương và địa phương của nhà báo Triệu Văn Tùng đó là sự lựa chọn các đề tài, nội dung cốt lõi, đó có thể là việc cụ thể hóa quá trình đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; triển khai chủ trương quản lý, đầu tư phát triển đô thị, quy hoạch đô thị; gắn đầu tư phát triển với công tác an sinh xã hội…

Những vấn đề “nóng” đang được xã hội, bạn đọc quan tâm. Từ đây, lãnh đạo phòng, ban sẽ phát huy năng lực của từng phóng viên, định hướng đề tài để cùng với phóng viên, nhóm phóng viên xây dựng đề cương chi tiết đối với các tác phẩm báo chí. Phòng, ban cũng khuyến khích phóng viên thực hiện các tác phẩm báo chí qua phối hợp nhóm, hình thành những nhóm tác giả thực hiện những tuyến bài dài kỳ. Dù làm việc theo nhóm, nhưng tính “cá nhân hóa” cũng được thể hiện trong từng hàm lượng nội dung mà phóng viên thực hiện và tạo cho tác phẩm không “vo tròn” theo một mạch văn phong.

Từng cá nhân được thể hiện bằng những đóng góp cụ thể trong một tập thể nhóm tác giả làm cho tác phẩm “dày” thêm nội dung, chất lượng tác phẩm. Việc thực hiện các tuyến bài qua tác nghiệp theo nhóm cũng là bước tiếp cận để triển khai tích hợp hội tụ sản phẩm báo chí trên nền tảng đa phương tiện trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và đáp ứng khả năng tinh giảm nguồn lực lao động trong mỗi cơ quan báo chí.

Theo nhà báo, Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, để có được một tác phẩm báo chí chất lượng và tham gia các giải báo chí rất công phu và cần có chiến lược bài bản. Một bài báo hay cần phải đi tới tận cùng vấn đề, trong đó cần quan tâm tới việc chọn đề tài, có thể đó là một nội dung có tính phát hiện, cũng có thể đó là cách tiếp cận mới đa chiều, có tính phản biện cao…

Nhà báo Trần Bá Dung phân tích, một tác phẩm báo chí tốt, tham dự các giải thưởng, nhất là các giải báo chí mang tầm quốc gia cần có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Ngoài tài năng của tác giả, nhóm tác giả còn có công tác tổ chức chỉ đạo của ban biên tập báo, ban giám đốc đài, các khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng…

Trong đó, vai trò của lãnh đạo báo, đài trong việc lựa chọn đề tài trúng, đúng, triển khai tác phẩm đeo bám sự kiện đến cùng, lựa chọn tác phẩm tốt nhất để dự giải là yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần vào thành công của mỗi tác phầm báo chí.

“Vấn đề cốt lõi làm nên chất lượng của khâu tuyển chọn đó là đầu tư đề tài và tuyển chọn đúng nội dung. Muốn có tác phẩm đoạt giải báo chí cao thì phải đầu tư. Chẳng hạn, đầu năm xác định chủ đề, đề tài phóng viên sẽ có nhiều tháng để điều chỉnh, sao cho trong số các đề tài đã lựa chọn có 3-4 đề tài được đầu tư một cách công phu. Từ đó, phân công công việc, người thực hiện, ban biên tập sửa chữa, bám sát, dồn sức cho tác phẩm và từ đó sàng lọc lựa chọn tham dự giải…”, nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.