Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố của ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Chủ đề của Báo cáo chính trị: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường sức mạnh đồng thuận; phát huy các động lực tăng trưởng; xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” vừa ngắn gọn, vừa tương đối đầy đủ. Lâu nay, chúng ta thường dùng cụm từ “đồng thuận xã hội” hoặc “đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân”. Nói như vậy không sai nhưng chưa đầy đủ; bởi đâu chỉ là đồng thuận xã hội mà còn đồng thuận cả về tự nhiên nữa. Cho nên, chỉ cần cụm từ “tăng cường sức mạnh đồng thuận” là chính xác và đầy đủ. Cụm từ “xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại” là rất hay. Khái niệm an bình bao hàm cả sự an toàn và bình yên.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025. Trước hết, tôi thấy 4 bài học kinh nghiệm rút ra trong dự thảo vẫn còn thiếu. Cần phải có bài học kinh nghiệm về nhân dân. Cụ thể, mọi chủ trương chính sách, nhiệm vụ của Đảng bộ phải xuất phát từ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân. Đây là bài học gốc, bài học muôn thuở cần phải đề cập, nhất là đối với thành phố lúc này.
Qua 20 năm triển khai thực hiện chương trình thành phố “5 không”, 15 năm thực hiện chương trình “3 có” và 5 năm thực hiện chương trình “ 4 an”, có thể khẳng định các chương trình này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thành phố và đã trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Hiện nay, một số tiêu chí trong các chương trình này cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, có thể tích hợp lại thành một chương trình để dễ tập trung chỉ đạo thực hiện như: “Chương trình 4 hoặc 5 an” hay “Chương trình thành phố an toàn, văn minh, hiện đại”…
Phần đánh giá kết quả công tác Mặt trận và đoàn thể trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI như trong dự thảo là vừa phải, đúng mức. Tuy nhiên, phần đánh giá công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội (trang 21) mới chỉ nêu số liệu chứ chưa đánh giá đúng chất lượng giám sát và chất lượng phản biện, mặc dù trong dự thảo có ghi: “Các nội dung kiến nghị sau giám sát phản biện được đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn thành phố và được tiếp thu”.
Thực tiễn có đúng như vậy không? Cụ thể, tại các cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng với Đảng, Đoàn, Mặt trận thành phố đều đánh giá công tác giám sát và phản biện của Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo tôi, nên thay câu đánh giá này bằng: “Nhiều nội dung giám sát, phản biện được ghi nhận, tiếp thu”. Như vậy là vừa phải và đúng thực tế. Vả lại, có đánh giá đúng như thế thì nhiệm kỳ đến công tác này mới đặt ở vị trí đúng mức hơn. Nếu bằng lòng với việc đã làm thì không có sự phấn đấu.
Về phần nâng cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân (trang 47), đề nghị thay từ “cơ sở” bằng “khu dân cư” trong câu: “Tăng cường sự lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo xây dựng, củng cố tổ chức Mặt trận, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở vững mạnh”. Vì Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể nằm ở khu dân cư (dưới cơ sở) chứ không phải ở cơ sở. Về tổ chức Công đoàn các cấp (trang 47) đề nghị thêm ý “Tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công nhân và người lao động”. Đây là một trong những chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà kinh tế tư nhân và liên doanh đang phát triển mạnh thì nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn càng nặng nề hơn.
Về vai trò của Hội Nông dân thành phố (trang 47), tôi đề nghị thêm nội dung: “Vận động hội viên nông dân xây dựng Hợp tác xã kiểu mới”. Bởi vì, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã. Bộ Chính trị cũng yêu cầu các nội dung phát triển kinh tế hợp tác xã phải đưa vào báo cáo và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Về công tác Thanh, Thiếu nhi (trang 47, 48), dự thảo đã bỏ hẳn một mảng lớn, đó là lực lượng thiếu niên, nhi đồng. Đây là một thiếu sót. Do vậy, tôi đề nghị thay cụm từ “đoàn viên, thanh niên” bằng cụm từ “thanh thiếu nhi” và thay cụm từ “Đoàn, Hội” bằng “Đoàn, Hội, Đội”.
LAM PHƯƠNG ghi