Tạo hành lang an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

.

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập thể hiện qua số lượng các vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do vậy, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 về xây dựng “Thành phố an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em” được đánh giá đúng lúc, đúng thời điểm để cải thiện tình trạng này.

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Năm 2019, CLB Nam giới tiên phong xã Hòa Nhơn kêu gọi xây dựng gia đình hạnh phúc vào Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: NGỌC HÀ
Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Năm 2019, CLB Nam giới tiên phong xã Hòa Nhơn kêu gọi xây dựng gia đình hạnh phúc vào Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhức nhối nạn bạo hành

Theo thống kê, 10 năm qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.957 vụ bạo lực gia đình, trong đó hành vi bạo hành thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.564 vụ, kế đến là bạo lực tinh thần 302 vụ, bạo lực về kinh tế 84 vụ và bạo lực tình dục 7 vụ. Giai đoạn 2015-2019, thành phố xảy ra 64 vụ xâm hại trẻ em, tập trung ở các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục; trong đó có 65 trẻ em bị xâm hại (so với giai đoạn 2011 - 2015 giảm 50 vụ và 54 trẻ bị xâm hại).

Bạo lực gia đình đã gây tổn thương sâu sắc đến phụ nữ, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó gia đình tan vỡ. Nhiều năm làm công tác phụ nữ, bà Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê tâm sự, không ai muốn gia đình ly tan nhưng đến mức nào đó không thể hàn gắn thì giải thoát là cách mà nhiều phụ nữ lựa chọn để chấm dứt bạo hành. Trường hợp chị P.T.H trên địa bàn phường là điển hình. Lấy phải người chồng vũ phu, ham rượu chè, cá độ bóng đá đã biến cuộc sống của chị P.T.H thành “địa ngục”.

Cứ khi có người đến đòi nợ, không có tiền trả là người chồng vũ phu nổi cơn lôi đình, lao vào đánh đập, ngay cả khi vợ đang bầu sắp sinh. Dù được các cấp hội phụ nữ thường xuyên lui tới động viên, hòa giải nhưng người chồng này vẫn chứng nào tật nấy. Bất lực, chị P.T.H ôm con về nhà mẹ đẻ, nhờ Hội LHPN phường tư vấn về mặt pháp luật; đồng thời viết đơn ly hôn và dành quyền nuôi con sau ly hôn. “Tôi chấm dứt cuộc hôn nhân này vì lo sợ tuổi thơ của con mình sẽ là những ký ức bố vác cây đuổi mẹ, chửi bới lăng nhục mẹ. Tôi ám ảnh những tiếng hò hét, chửi rủa, đập bàn ghế, bát đũa, dọa sẽ đốt nhà, giết vợ… Nếu không nhờ những buổi tuyên truyền về bạo lực, về quyền bình đẳng của đoàn thể, chính quyền không có những tư vấn pháp lý tôi e rằng mình không đủ mạnh mẽ để tìm kiếm sự bình yên cho hai mẹ con”, P.T.H nói.

Xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Trao đổi về công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được quan tâm và đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thể hiện qua số lượng các vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa giảm đáng kể, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một số vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng về mức độ nghiêm trọng và phức tạp, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội; sự bất an trong phụ huynh.

“Để ra đời Chỉ thị số 39-CT/TU, Hội LHPN thành phố đã trải qua một thời gian dài “thai nghén”; từ hiệu quả một số dự án về phòng ngừa bạo lực giới, đến thực hiện Đề tài khoa học cấp thành phố vào năm 2019 “Giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”; kế tiếp phối hợp Ban Dân vận Thành ủy, các ngành, các cấp dự thảo Chỉ thị để tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy… Trong quá trình ấy, tôi nghĩ là thực trạng đau lòng về các vụ bạo lực giới, xâm hại trẻ em đã diễn tra ở nước ta và ngay tại thành phố Đà Nẵng; cũng như tâm huyết và trách nhiệm của mỗi cán bộ hội phụ nữ đã “chạm vào trái tim” của nhiều người chứ không chỉ là sự tác động”, bà Hà chia sẻ.

Cũng theo bà Hà, việc ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU không chỉ hướng đến giải quyết những bất cập, mà hết sức cần thiết, đúng lúc, đúng thời điểm khi thành phố đã và đang thực hiện mục tiêu “4 an” (an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông). Trong đó “an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em” sẽ là một chuẩn mực mới cần có của thành phố “đáng sống”. Nội dung và giải pháp nêu trong Chỉ thị số 39-CT/TU rất đầy đủ, thể hiện rõ vai trò của các ngành, các cấp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình... Tuy nhiên, tính nghiêm minh của pháp luật, không bỏ sót tội phạm chắc chắn sẽ có sức răn đe cao hơn, giảm thiểu bạo lực giới trong thời gian đến.

HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích