73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020)

Từ lời dặn của cha

.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha thân yêu. Cha ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Hề (tức Chín), hy sinh quả cảm khi đang là Bí thư chi bộ. Theo nhiều người bạn chiến đấu, ông Chín xứng đáng là anh hùng trong lòng nhân dân xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu (ngoài cùng bên phải, hàng trước) với các cựu chiến binh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Đà Nẵng (4-2015). Ảnh: H.V
Trung tướng Nguyễn Trung Thu (ngoài cùng bên phải, hàng trước) với các cựu chiến binh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Đà Nẵng (4-2015). Ảnh: H.V

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha thân yêu. Cha ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Hề (tức Chín), hy sinh quả cảm khi đang là Bí thư chi bộ. Theo nhiều người bạn chiến đấu, ông Chín xứng đáng là anh hùng trong lòng nhân dân xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

“Vị tướng của hai quê” là câu thường nghe của đồng đội khi nói về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trung Thu. Cha ông quê gốc ở Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), con của một nhà nho uyên thâm trong vùng. Ông Chín tham gia bộ đội, làm cán bộ Huyện đội Hòa Vang thời chống Pháp. Khi phong trào ở địa phương có dấu hiệu bị lộ, ông đưa vợ là Lê Thị Tưởng (Bảy), cũng là một du kích năng nổ về hoạt động cách mạng ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Những người con lần lượt ra đời, trải từ thời chống Pháp qua thời đánh Mỹ. Trong tâm tưởng của người cậu con cả Hai Thu, ba Chín là người tuyệt vời nhất. Ông vừa hoạt động cách mạng, vừa đi làm biển, cùng vợ tích lũy hậu cần nuôi cán bộ, bộ đội trong nhà.

Ông dạy con trai làm liên lạc, đưa thư từ, dò la tin tức, lấy vũ khí địch đánh địch; chỉ cho con cách tránh khi đụng mặt kẻ thù, chạy dích dắc khi đạn bắn theo. Cách giáo dục của ông là cách của một người có tri thức làm cách mạng, điềm tĩnh, nhỏ nhẹ, hoàn toàn tin tưởng, coi con như đồng chí của mình dù con mới tuổi lên mười. Ông đưa Hai Thu vào Đội thiếu niên tiền phong, làm “du kích nhí”. Cha và con trên một chiến tuyến, có lần phối hợp cứu 20 cán bộ, du kích bị địch bao vây trong hầm. Khi người cha bị thương, cậu con trai và đồng đội tỏa đi tìm.

Vợ chồng ông Chín vì tham gia cách mạng mà nhiều lần bị địch bắt, đánh đập nhưng chưa bao giờ hé răng khai đồng chí, đồng đội của mình. Tấm gương ấy đã ảnh hưởng nhiều đến người con trai đang quyết sống mái với quân xâm lược. Ông Chín ủng hộ Hai Thu (lúc này đã có 4 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, dũng sĩ diệt xe cơ giới, bắn rơi máy bay Mỹ, đánh địch hiệu quả không thua kém người lớn) đi bộ đội. Vợ đang ở tù vì đi đầu trong đoàn biểu tình Tết Mậu Thân, ông Chín có thể giữ Hai Thu bên mình. Nhưng ông thấy ngọn lửa căm thù giặc ở cậu con trai mới 16 tuổi, vóc dáng bé nhỏ, thân súng cao hơn thân người.

Cựu chiến binh Trần Văn Trọng, hiện ở phường Thọ Quang (Sơn Trà) kể về sự hy sinh của Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hề trong những năm tháng cùng chiến đấu trên đất Bình Dương: “Bọn địch biết anh Chín là người gây dựng nhiều cơ sở cách mạng ở địa phương nhưng vì ảnh di chuyển liên tục nên không bắt được. Sáng ngày 7-3-1970, địch đánh hơi người bí thư đang ở hầm bí mật nên bao vây, kêu gọi đầu hàng. Anh Chín bình tĩnh ném lựu đạn lên miệng hầm làm chết một tên; động viên anh em không phản bội, không để địch bắt sống. Suốt cả ngày hôm đó, chúng tăng cường lính bao vây; đến 5 giờ sáng hôm sau, tuyên bố sẽ tiêu diệt và lấp hầm.

Anh Chín vụt lựu đạn liên tiếp và ra lệnh toàn đội xông lên phá vòng vây địch. Cả hầm gồm sáu đồng chí sau mệnh lệnh của Bí thư chi bộ, đã nổ súng tấn công kẻ thù rồi anh dũng hy sinh. Nhận tin dữ, nhiều mẹ, chị đã khóc, tiếc thương người con quê hương dũng cảm. Lúc này Hai Thu đi bộ đội đã được một năm; chị Bảy, vợ anh Chín ra tù, đang ở Gia Lai nhằm tránh kẻ thù truy đuổi, đã không thể về để thọ tang chồng vì địch phong tỏa”.

Người con trai biền biệt chính chiến, ngày giải phóng trở lại quê hương thì cha đã hy sinh. Nỗi đau bóp thắt trái tim anh khi nhớ lời cha dặn hôm tiễn đưa Hai Thu làm lính chủ lực: “Con vô bộ đội cố gắng bằng anh bằng em, lên đến trung úy rồi về với ba nghe con!”. Anh đi tìm má, thì được chỉ lên Tây Nguyên. Cũng thời gian này, ở Gia Lai, má anh bỏ việc làm ăn, băng bộ ra đường đón các đoàn quân giải phóng để hỏi thăm con trai. Suốt nhiều ngày liền, bà tưởng đã tuyệt vọng thì người con tìm được nơi mẹ ở. Hai mẹ con ôm chầm trong nước mắt.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu tâm sự rằng, người mẹ của ông đã chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh nên rất sợ con trai lại vào nơi hòn tên mũi đạn. Nhận nhiệm vụ đi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K, ông định giấu má, qua đến nơi rồi mới viết thư xin lỗi nhưng xe từ Đà Nẵng đến Pleiku bất ngờ bị hư. Ông vào nhà ngủ với má một đêm. Sáng hôm sau khi biết con đi Campuchia, bà má bất ngờ đến mức đánh rơi cái vá đang cầm. Bà tất tả đi mua dầu, tất, quần áo lạnh nhét cứng ba lô, bần thần tiễn con trai ra xe rồi vào nhà khóc rấm rứt.

Trong ký ức của vị tướng trận mạc, hai đấng sinh thành vẫn luôn hiển hiện, gần gũi như ông ngày nào thơ bé in dấu chân trên cát bỏng. Làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), Tư lệnh Quân đoàn 3 rồi Tư lệnh Quân khu 5, sau này là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống gia đình và sự hy sinh anh dũng của người cha luôn nâng bước, động viên ông trên con đường binh nghiệp để mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.