Bảo tồn biển dựa vào cộng đồng

.

ĐNO - Lênh đênh theo con sóng, xem chừng những ngư dân cả một đời lặn ngụp từ góc biển đã mệt nhoài sau một chuyến đánh bắt. Thế nhưng, hễ họ nhắc tới biển, tới rạn san hô hay con cá, con tôm, sự rã rời ấy lại nhường chỗ cho nhiệt huyết vì lợi ích chung của môi trường và xã hội.

Ảnh: XUÂN SƠN
Ngư dân Nguyễn Quang, Tổ trưởng Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc đang dong thuyền trên vùng biển Kim Liên. Ảnh: XUÂN SƠN

"Cánh tay" đắc lực của lực lượng chức năng

Họ là những thành viên thuộc Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (gọi tắt là tổ). Tổ được thành lập từ năm 2017, với “quân số” ban đầu là 27 người. Tất cả đều là những ngư dân lành nghề, hoạt động tích cực trong việc khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Được biết, tổ được thành lập theo ý tưởng đề xuất của Chi cục Thủy sản thành phố với UBND phường Hòa Hiệp Bắc và Đồn Biên phòng Hải Vân. Theo đề xuất này, thuyền trưởng các tàu đánh cá có công suất dưới 20 CV được mời và tuyên truyền về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của Nhà nước.

Đến hiện tại, tổ đang có 42 ngư dân thường xuyên sinh hoạt. Nhiệm vụ của họ, bên cạnh việc đánh bắt thủy sản còn có phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền, vận động du khách, người dân địa phương và những ngư dân khác về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. Ở đó, có chuyện kêu gọi không tùy tiện khai thác san hô tại khu vực; không khai thác tận diệt thủy sản như giã cào bay, xung điện hay nổ mìn.

Bên cạnh đó, những thành viên của tổ còn có vai trò là “tai mắt”, “cánh tay” đắc lực của lực lượng chức năng trong việc theo dõi, phát hiện những trường hợp vụ việc vi phạm quy định về đánh bắt hải sản và xâm hại môi trường biển.

Ông Nguyễn Quang (SN 1965), Tổ trưởng chia sẻ: “Bất kỳ trường hợp nào khai thác thủy sản sai quy định, ảnh hưởng đến môi trường biển tại khu vực mà chúng tôi tham gia đánh bắt thì anh em trong tổ chủ động ghi hình làm bằng chứng rồi báo cho Đồn Biên phòng Hải Vân, Chi cục Thủy sản thành phố xử lý”.

Mỗi một đêm, tổ phân thành viên chia nhau khai thác và giám sát tình hình tại khu vực biển Nam Ô, Kim Liên và cả sông Cu Đê. “Nếu như các tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Sơn Trà chuyên trách khu vực biển thì ở đây, chúng tôi kiêm thêm giám sát cả tuyến sông Cu Đê qua địa bàn phường”, ông Quang cho hay.

Tham gia tổ từ ngày đầu thành lập, anh Hồ Văn Khanh (SN 1977) ghi nhớ rất nhiều vụ việc mà anh từng trình báo với lực lượng chức năng, trong đó liên quan đến cả an ninh trật tự trên biển. Mới đây nhất là vụ tranh giành vùng khai thác giữa 2 tàu cá, có khả năng xung đột cao. Từ sự báo tin của anh, lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý vụ việc.

Một vụ khác, theo lời ông Quang kể, là báo tin cho Đồn Biên phòng Hải Vân xử lý 3 tàu dùng điện cao áp để đánh bắt cá với mã lực lớn. Để có thông tin này, các thành viên tổ nhiều đêm theo dõi, ghi hình để làm bằng chứng trình báo lực lượng chức năng.

Ảnh: XUÂN SƠN
Ngư dân được tuyên truyền, vận động khai thác thủy sản đúng quy định của Nhà nước. Ảnh: XUÂN SƠN

Bảo vệ biển dựa vào cộng đồng

“Tại khu vực biển ở Hòa Hiệp Bắc có trên 100 ghe, thúng đánh bắt gần bờ. Phạm vi đánh bắt khoảng 2 hải lý tính từ bờ biển Kim Liên này”, ông Nguyễn Quang cho biết. Ngư dân ở đây, kiếm nguồn mưu sinh từ con cá ve, cá trích, cá cơm, tôm, mực… Thủy sản theo họ ra chợ, có loại được phơi khô, có loại trở thành con cá trong hũ mắm Nam Ô trứ danh.

Ngư dân Hòa Hiệp Bắc, cũng như nhiều vùng biển khác, sinh ra đã thấy biển trước nhà. Với họ, biển là một phần của quê nhà, của sinh kế. Từ sự tuyên truyền của tổ và cơ quan chức năng mà bản thân mỗi người đã ý thức hơn trong việc giữ gìn nguồn lợi thủy sản. Ý thức từ những điều nhỏ nhất, như loài mơ biển – một loại rong ở biển Kim Liên cũng được ngư dân dặn nhau không thu hái, cũng như san hô, nơi đây là “nhà ở” của nhiều loại cá tại khu vực. 

Ngày trước, có tình trạng khai thác tràn lan rồi đem nấu vôi ngay phía ngoài ghềnh đá, rồi nơi ấy thành tên “bãi lò vôi”. Rồi chuyện du khách vô tư bẻ san hô đem về. Sau này, ông Quang và các thành viên trong đội thay phiên nhau nhắc nhở, tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo vệ san hô thì những rạn san hô ở đây mới “an tâm” sinh trưởng.

Vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, niềm động viên của các ngư dân chính là sự ủng hộ, tin tưởng của lực lượng chức năng và gia đình, làng xóm. Ông Quang chia sẻ: "Người xưa có câu "Đồng là tư, ngư là chung". Nghề biển, làm gì cũng phải vì cái chung. Mình làm vì nguồn lợi chung, có lợi cho sinh kế của mình và môi trường biển thì nên làm. Tinh thần đoàn kết của các tổ viên và bà con là trên hết để bảo vệ môi trường biển". 

Ảnh: XUÂN SƠN
Một góc biển Kim Liên dưới chân đèo Hải Vân. Ảnh: XUÂN SƠN

Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc là 1 trong 4 tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng. Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản thành phố, sau 12 năm hoạt động, các tổ cộng đồng nói trên đã phát hiện gần 300 vụ việc, phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền đến người dân và du khách.

Theo ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó, hằng năm, các tổ được đơn vị hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Việc cộng đồng ngư dân chung tay giữ gìn môi trường biển và nguồn lợi thủy sản ven bờ, dưới sự đồng hành của cơ quan chức năng chính là một hướng đi tích cực. 

Có kết quả tốt thì cũng có những khó khăn, khó khăn rõ nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ cộng đồng còn hạn chế. Cạnh đó là lo ngại từ... du lịch, đặc biệt là du lịch tự phát. Ông Quang nói, lo ngại nhất là một mai du lịch lặn biển, ca-nô, mô-tô nước... có "mọc" lên ở biển Hòa Hiệp Bắc, những rạn san hô nói riêng, môi trường biển nói chung ở đây sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi hoạt động này. 

Ông Quang mong muốn ngư dân không vi phạm quy định về khai thác thủy sản để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.