Từ ngày 1-7, Luật Viên chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo đó, chính thức không còn chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố về những điểm mới của Luật Viên chức.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
* Từ 1-7, không còn biên chế viên chức suốt đời. Điều này tác động thế nào, thưa ông?
- Từ ngày 1-7, viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng đến 60 tháng, không còn hợp đồng vô thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời).
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp là: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thay đổi này xuất phát từ tư tưởng một số người nghĩ rằng chỉ cần có chỗ đứng trong đơn vị sự nghiệp công lập là ổn định, từ đó không có động lực phấn đấu trong công việc, nâng cao chất lượng công việc. Quy định mới này được xem là giải pháp chọn lọc tự nhiên, từng bước loại bỏ những cán bộ chây ì, thụ động, không nỗ lực phấn đấu; thu nạp những người có năng lực, trình độ cao hơn.
* Từ 1-7, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội không còn là công chức?
- Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức. Tuy nhiên, từ ngày 1-7, không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
* Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển, tiếp nhận vào công chức như thế nào?
- Theo quy định trước đây, việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển. Hình thức xét tuyển chỉ áp dụng trong trường hợp cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Luật sửa đổi đã bổ sung các trường hợp được tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển là: người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng triển khai thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức vào của công chức đối với việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực và hiệu quả. Đây là những thay đổi quan trọng nhằm thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào đội ngũ cán bộ công chức viên chức của Nhà nước, phần nâng cao chất lượng của công chức, tạo thuận lợi để thành phố triển khai các cơ chế đặc thù nhằm thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
* Quy định cụ thể việc tăng thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu bị phát hiện có vi phạm theo Luật sửa đổi như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định cũ, thời hiệu xử lý kỷ luật được thống nhất chung là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 2 tháng. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 4 tháng.
Quy định mới đã tăng thời hiệu, thời hạn xử lý theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm kỷ luật như sau:
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm đối với hành vi vi phạm có nghiêm trọng ở mức cao hơn, phải kỷ luật bằng các hình thức trên mức khiển trách. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày. Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, thôi việc, có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
Luật sửa đổi đã quy định chặt chẽ hơn về xử lý kỷ luật, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm nghiêm trọng của cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật; quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, đã nghỉ hưu... giúp tăng cường tính kỷ cương trong hoạt động công vụ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi tư duy hành động cuối nhiệm kỳ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức ngay cả khi đã nghỉ hưu, thôi việc.
* Để áp dụng đúng các quy định mới của Luật sửa đổi, sắp tới Sở Nội vụ có kế hoạch gì?
- Dự kiến trong thời gian đến, Sở Nội vụ sẽ tổ chức tập huấn, triển khai các quy định mới về công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
*Xin cảm ơn ông!
LAM PHƯƠNG thực hiện