Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid-19 - Bài 4: 'Thay áo mới' nơi tuyến đầu

.

Sau khi xác định tâm dịch rơi vào Bệnh viện Đà Nẵng, nơi vốn đã sẵn sàng nhân lực, thiết bị để điều trị bệnh nhân Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố gấp rút triển khai kế hoạch chuyển hướng điều trị bệnh nhân. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Y tế và các chuyên gia hàng đầu, một hệ thống điều trị với trình độ kỹ thuật chuyên sâu được gấp rút hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

 Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng về nhân lực và trang thiết bị để phòng chống dịch. TRONG ẢNH: Các bác sĩ đang tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19  tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng về nhân lực và trang thiết bị để phòng chống dịch. TRONG ẢNH: Các bác sĩ đang tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG

Đầu tư bài bản, thần tốc

Ngày 31-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ban hành Quyết định số 139/QĐ-BCĐ về việc thành lập bệnh viện dã chiến thuộc Sở Y tế tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nhằm mở rộng quy mô tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình hình mới. Cơ cấu, tổ chức, hoạt động các phân khu bên trong bệnh viện dã chiến được thực hiện theo Quyết định số 1942/QĐ-BYT ngày 4-5-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Mô hình tổ chức, hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19”.

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, bệnh viện đã gấp rút cải tạo, sắp xếp, bố trí khu vực riêng biệt bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế sẵn sàng thu dung điều trị, chăm sóc người bệnh mắc Covid-19. Ngành y tế thành phố nhanh chóng thống nhất chủ trương tăng cường máy thở, hệ thống máy ECMO, siêu lọc, máy chụp X-Quang, siêu âm tại giường bệnh...

Ngoài ra, 10 máy chạy thận nhân tạo cũng được trang bị kịp thời và chỉ trong thời gian 8 ngày với sự hỗ trợ của các bác sĩ Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, một đơn vị thận nhân tạo đã được thiết lập tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Những bệnh nhân thận nhân tạo nhiễm Covid-19 đã được các chuyên gia đầu ngành chữa trị kết hợp điều trị Covid-19. Hơn 40 chuyên gia trong các lĩnh vực thận nhân tạo, hồi sức tích cực, y học nhiệt đới, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ bệnh viện Bạch Mai được tăng cường, trực tiếp hỗ trợ cùng với sự lĩnh hội, nỗ lực của hơn 100 nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã kịp thời đưa Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tương tự, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, với sự hỗ trợ tích cực của ê-kip bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, các trang thiết bị, hệ thống ô-xy, khí nén theo tiêu chuẩn của Khoa hồi sức cấp cứu điều trị cho những bệnh nhân nặng đã được lắp đặt, vận hành nhanh chóng. Trong thời gian 5 ngày, toàn bộ ê-kip gần như làm suốt ngày đêm để cho ra một hệ thống hồi sức cấp cứu đặt tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyên môn kỹ thuật.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các đoàn y sĩ, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trên đã giúp và tiếp sức cho Đà Nẵng rất nhiều trong giai đoạn khó khăn này. “Vừa trực tiếp điều trị tại khu bệnh nhân nặng, lắp đặt hệ thống ECMO, vừa đào tạo, tư vấn trực tiếp cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ của ngành y tế Đà Nẵng. Đặc biệt, phải kể đến sự hỗ trợ về chuyên môn trong điều trị các ca mắc Covid-19 có bệnh nền nặng”, bác sĩ Yến cho biết.

Với sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến đầu, Đà Nẵng đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng với quy mô 20 giường và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang với quy mô 15 giường một cách nhanh chóng và bảo đảm chất lượng. Khoa ICU là đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi, sử dụng chăm sóc liên tục cho những người bệnh nặng. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện hạng 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trở thành 2 đơn vị đủ điều kiện điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trên nền bệnh nặng, liên tục phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO…

Dự báo và lo ngại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang không đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 22-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 đã ban hành quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến thành phố Đà Nẵng tại Cung Thể thao Tiên Sơn (số 3 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là cơ sở 2 của Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 500 giường, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 300 giường. Trước đó, từ ngày 2-8, Bệnh viện dã chiến thành phố Đà Nẵng được gấp rút xây dựng. Trong thời gian 72 giờ, hơn 500 công nhân, kỹ sư thi công trực tiếp và hàng trăm cán bộ, nhân viên hỗ trợ gián tiếp đã biến Cung thể thao Tiên Sơn thành bệnh viện quy mô 284 giường tại sàn thi đấu tầng 1, dưới sự tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn có hệ thống buồng bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn... được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến. Từng buồng bệnh được trang bị đầy đủ tiện nghi, đặc biệt có nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy. Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp, trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm công tác phòng chống-chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ cùng hệ thống wifi miễn phí. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn dự kiến sẽ được tăng cường tối đa khoảng 700-1.000 giường bệnh trong trường hợp dịch bùng phát mạnh. Còn trong trường hợp các bệnh viện tại Đà Nẵng vẫn bảo đảm nhu cầu của người bệnh, bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ được sử dụng như một khu cách ly chuyên dụng, khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Theo sát diễn biến người bệnh

Liên quan đến công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế tập trung nguồn lực để hỗ trợ Đà Nẵng. Trước đây, khi triển khai điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các địa phương khác, Bộ Y tế cũng chủ động tăng cường, bổ sung nhân lực nhưng chủ yếu là phát huy nguồn lực tại chỗ. “Riêng đối với Đà Nẵng, sau khi nhận định tình hình, đặc biệt là nhiều bệnh nhân có bệnh nền, lớn tuổi, Bộ Y tế rất quan tâm, ngoài huy động tối đa nguồn lực địa phương, chúng tôi tăng cường nhân lực Bộ Y tế, các tỉnh, thành khác. Về phác đồ điều trị, chúng tôi kịp thời xây dựng, điều chỉnh phác đồ trên cơ sở sử dụng thành tựu nghiên cứu của các nước trên thế giới, thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng để tìm ra phác đồ điều trị thích ứng cho thể trạng, bệnh lý từng người”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế đã tung lực lượng tinh nhuệ vào Đà Nẵng gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức, thận, tim mạch… Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 của dịch bệnh, điểm khác biệt nhất chính là những bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh nền nặng và thời gian bệnh dài đã gây ra những biến chứng suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, hô hấp, tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể. “Chính vì thế, các bác sĩ phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị như lọc máu, thở máy, chạy thận nhân tạo... để giảm các chỉ số sinh hóa trong cơ thể người bệnh về gần với chỉ số bình thường. Ngoài việc điều trị bệnh lý nền, các bác sĩ còn song song áp dụng phác đồ điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, trưởng bộ phận điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đặc thù bệnh nhân Covid-19 có nền bệnh phổi diễn tiến rất nhanh, nếu không quyết định đúng thời điểm can thiệp ECMO thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. “Đối với các bệnh nặng, ngoài ê-kip hội chẩn trực tuyến của quốc gia, chúng tôi còn có những y, bác sĩ kinh nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện Phòng Hồi sức Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã được đầu tư bài bản, đầy đủ với một tập thể sẵn sàng ứng biến cứu bệnh nhân trên cơ sở phác đồ điều trị chuẩn mực, được cập nhật liên tục”, bác sĩ Linh cho biết.

Khẩn trương, căng thẳng trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít, hàng trăm nhân viên y tế hội tụ tại Đà Nẵng vẫn đang ngày đêm theo dõi từng nhịp thở, chỉ số điều trị của bệnh nhân. Ở đó, bác sĩ nào cũng giống nhau, ai cũng kín mít bởi bộ đồ bảo hộ màu trắng, họ chỉ khác nhau bằng dòng chữ ghi tên mình và tên bệnh viện đằng sau lưng áo. Không phân biệt đơn vị, trình độ hay nhiệm vụ, các ê-kip bổ sung, hỗ trợ cho nhau trên mọi mặt trận, từ xét nghiệm, truy vết, cấp cứu cho đến điều trị. “Sống, làm việc trong tâm dịch chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt, áp lực trong điều trị nhưng chúng tôi tin, sự chung sức đồng lòng, tâm huyết và trách nhiệm của mọi người sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Tính đến ngày 30-8, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã điều trị khỏi và cho ra viện 210 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong số những bệnh nhân chữa khỏi có 8 bệnh nhân suy thận mạn phải chạy thận 10-15 năm nay, 1 bệnh nhân suy tim, huyết áp tăng, 1 sản phụ sinh con trong thời gian điều trị Covid-19. Hiện vẫn còn 136 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có 30 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền bệnh nặng do bị ung thư, suy thận mạn, xuất huyết dạ dày... đang được các y, bác sĩ tích cực theo dõi, điều trị.
 

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.