Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. 75 năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh tập hợp, đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ chính quyền của dân, do dân, vì dân, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội biểu tình chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19-8-1945.  								     Ảnh tư liệu TTXVN
Quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội biểu tình chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (MTDTTNVN). Từ đó đến nay, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, MTDTTNVN đã có nhiều hình thức, tổ chức với tên gọi khác nhau, nhưng mục tiêu tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thành một lực lượng to lớn để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không hề thay đổi.

Ngày 19-5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 họp và ra Nghị quyết chỉ rõ sự cần kíp của cách mạng Đông Dương hiện nay là: giải phóng dân tộc. Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát xít Pháp, Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh - gọi tắt là Việt Minh được thành lập, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập.

Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh khẳng định: “Việt Minh chủ trương liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn. Việt Minh chủ trương học tập hết thảy mọi tinh thần độc lập chân chính của giống nòi kết thành một khối vô địch đặng đập tan xiềng xích của Nhật, Pháp, quét sạch mưu mô xảo trá của bọn Việt gian phản quốc, chúng đã gạch tên trong quốc tịch của người Việt Nam”.

Từ ngày 13-8 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) để quyết định phát động khởi nghĩa khi thời cơ đến. Ngày 14-8-1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Phát xít Nhật đã gục đầu hàng Anh, Mỹ, Nga, Tàu... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và lời Hiệu triệu của Việt Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu từ ngày 14-8-1945. Tại Hà Nội, ngày 17-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, các Hội cứu quốc của Việt Minh, thành phố đã huy động quần chúng tham gia mít-tinh với hơn 20 vạn người và đã biến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa. Sáng ngày 19-8-1945, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng với hàng vạn quần chúng nhân dân xuống đường tiến thẳng về Nhà hát thành phố.

Đúng 11 giờ, cuộc mít-tinh bắt đầu. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca, đại biểu Ủy ban Quân sự cách mạng đọc lời Hiệu triệu của Việt Minh, quân Nhật đã đầu hàng, chính quyền đã về tay nhân dân, thành lập Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Bắc Bộ phủ, trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.

Tại Huế, ngày 22-8-1945, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị, vì chính quyền đã giành về tay nhân dân, Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị. Tại miền Nam, ngày 25-8-1945, Việt Minh mà Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật).

Như vậy, chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14-8 đến ngày 25-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước; nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ra đời. Trong đó, Mặt trận Việt Minh đã thực hiện xuất sắc 2 nhiệm vụ: vừa tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng; vừa từng bước chuẩn bị công việc của chính quyền, để khi giành được chính quyền thì lập nên một nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân.

Ngày nay, để MTTQ Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát huy vai trò của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám và các tổ chức Mặt trận trước đây, MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị nước ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề như sau: Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại... Mặt trận phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; là nơi tin cậy để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của mình trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mặt trận phải làm tốt việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; đồng thời, cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp phần làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở tạo sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đóng góp hiệu quả vào việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về đường lối cách mạng Việt Nam giai đoạn mới.

ĐOÀN SƠN tổng hợp theo matran.org.vn

;
;
.
.
.
.
.