Chào mừng Đại hội Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025

Xây dựng Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện

.

Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo. Đồng hành với sự phát triển của thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nhà báo thành phố đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí và xã hội; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo, góp phần tích cực đổi mới, phát triển nền báo chí cách mạng và công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại sự kiện APEC Đà Nẵng 2017. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại sự kiện APEC Đà Nẵng 2017. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Báo chí đồng hành sự phát triển thành phố

Trong 5 năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Thành ủy; tham gia tích cực, hiệu quả cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông, tăng cường công tác giao lưu đối ngoại, đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng nhìn nhận: Trong bối cảnh thành phố đang phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, tranh thủ những thuận lợi, thời cơ, kịp thời khắc phục khó khăn, thử thách, các cơ quan báo chí thành phố tiếp tục mở rộng và phát triển; đội ngũ làm báo ngày càng trưởng thành, phát huy vai trò, chức năng của báo chí cách mạng, có những bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng, nội dung, hình thức thể hiện và hiệu quả thông tin; cơ sở vật chất, kỹ thuật của các loại hình báo chí được đầu tư đúng mức, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng và nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng; đồng thời hình thành nhiều kênh thông tin nhằm tăng tính tương tác giữa các cơ quan Đảng, chính quyền và nhân dân.
Thông qua các chuyên trang, chuyên mục, báo chí thực hiện nhiệm vụ phổ biến, nhân rộng những tập thể, những cách làm hay để kịp thời biểu dương, động viên, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; phát hiện, tôn vinh các tấm gương điển hình trong công tác dân vận, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội về thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Nhiều mảng đề tài xã hội được báo chí đề cập, tuyên truyền phản ánh thường xuyên, hiệu quả cao; nhất là trên các lĩnh vực xây dựng Đảng; chỉnh trang đô thị, hội nhập và phát triển; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính, các giải báo chí Búa liềm vàng, Dân vận khéo, tuyên truyền về chủ đề “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Chương trình “Thành phố 4 an”… đã thu hút sự quan tâm của báo chí Trung ương và địa phương. Đặc biệt, các cơ quan báo chí tham gia tích cực trong việc tuyên truyền Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

5 năm qua, báo, đài đã bám sát tình hình thực tiễn, những vấn đề “nổi cộm”, “điểm nóng” ở cơ sở, cung cấp thông tin đa chiều, khách quan về các sự việc; phản ánh nhanh, kịp thời nhất các hoạt động của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh từ đời sống xã hội, đồng thời phản bác lại các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, trong thời gian Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, đội ngũ những người làm báo đã thể hiện tinh thần xung kích có mặt trên những tuyến đầu để kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống của các cấp, các ngành; tuyên truyền để người dân chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh.

“Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã thể hiện vai trò là kênh phản biện xã hội, phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh trật tự; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, mạnh dạn nêu lên những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, góp tiếng nói để lãnh đạo, chính quyền thành phố điều chỉnh trong quá trình thực thi chủ trương, chính sách; chủ động đưa ra những thông tin dự báo, đề xuất kiến nghị, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh.

Song hành, báo chí đã tiên phong trong phản ánh, điều tra viết bài về đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, những bất cập trong thực thi một số chủ trương, chính sách,… góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của thành phố; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền, khẳng định sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, tạo sự đồng thuận cao của xã hội.

Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí

So với 5 năm trước, số lượng hội viên Hội Nhà báo thành phố tăng từ 237 hội viên lên 282 hội viên, đang sinh hoạt thường xuyên tại 7 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo thành phố và CLB Nhà báo Cao tuổi. Chất lượng hội viên ngày càng được nâng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, bám sát thực tiễn, phản ánh sinh động, chân thực những chuyển biến mạnh mẽ và thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, trong 5 năm qua, Hội Nhà báo thành phố phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mở 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với gần 400 lượt hội viên tham gia, tạo môi trường để các nhà báo, hội viên thi đua phát huy tài năng sáng tạo, vươn lên về nghiệp vụ, chuyên môn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí thành phố năm 2018  Lê Trung Chinh (bìa phải) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên (trái) trao giải Nhì cho các tác giả đoạt Giải Báo chí thành phố năm 2018. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí thành phố năm 2018 Lê Trung Chinh (bìa phải) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên (trái) trao giải Nhì cho các tác giả đoạt Giải Báo chí thành phố năm 2018. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Theo sự phân công của UBND thành phố, Hội Nhà báo là cơ quan thường trực, tổ chức Giải Báo chí thành phố. Hằng năm, số lượng và chất lượng tác phẩm dự giải ngày càng nâng cao cùng với trị giá giải thưởng được chú trọng. Giải Báo chí thành phố ngày càng thu hút sự tham gia của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương khác đóng trên địa bàn. Trong 5 năm (2015-2019), có 144 tác phẩm đoạt giải, với tổng số tiền thưởng trực tiếp cho tác giả trên 1 tỷ đồng.

Lễ trao Giải Báo chí thành phố được tổ chức trang trọng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, với sự tham gia trao giải và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, góp phần rất lớn động viên, khuyến khích đông đảo hội viên nâng cao tay nghề và thi đua tạo nên nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, phản ánh về các lĩnh vực hoạt động của thành phố; là cơ sở để tham gia và đoạt Giải Báo chí quốc gia. Bên cạnh Giải Báo chí thành phố, từ năm 2018-2019, Hội Nhà báo phối hợp Ban Dân vận Thành ủy tổ chức cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”; tham gia tuyển chọn tác phẩm tham gia cuộc thi “Búa liềm vàng” do Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức.

Hội Nhà báo thành phố đã triển khai, chọn trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc dự thi Giải Báo chí quốc gia. Kết quả có 9 tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương đoạt Giải Báo chí quốc gia, trong đó có 2 giải B, 5 giải C và  2 giải khuyến khích. Đề án tác phẩm Báo chí Chất lượng cao (2015-2019), có 149 tác phẩm được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 335 triệu đồng. Đề án ngày càng phát huy hiệu quả, từ đây, đã có nhiều tác phẩm tham gia giải báo chí quốc gia.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Hội Nhà báo thành phố luôn quan tâm đến công tác nhân đạo, từ thiện. Theo đó, ngoài các hoạt động từ thiện do các cơ quan báo chí tổ chức có ý nghĩa chính trị thiết thực và mang đậm tính xã hội, nhân văn, Hội Nhà báo thành phố đã xây dựng chương trình “Ly cà phê yêu thương” vào tháng 10-2018, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và rất nhiều tấm lòng hảo tâm. Tính đến tháng 4-2020, qua 15 chương trình và đợt vận động quyên góp động viên đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19 (vào tháng 3-2020), tổng số quỹ chương trình đã nhận được hơn 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 185 trường hợp khó khăn đặc biệt cần giúp đỡ, và 13 đơn vị, 2 cá nhân tuyến đầu chống Covid-19 với tổng số tiền 892 triệu đồng.

“Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các nhà báo, hội viên. Chủ động tham gia công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hội viên; coi trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo; đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, công tác kiểm tra, hoạt động câu lạc bộ; bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà báo, hội viên; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên; xây dựng Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện; đóng góp tích cực xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại”, ông Nguyễn Đức Nam khẳng định.

Là một trong những trung tâm truyền thông quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Đà Nẵng hiện có 118 cơ quan báo chí hoạt động (tăng 72% so với năm 2015), trong đó có 5 cơ quan báo chí địa phương và 113 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện; cử phóng viên thường trú hoạt động. Tính đến cuối năm 2019, tổng số người làm báo tại các cơ quan báo chí địa phương và các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện; cử phóng viên thường trú trên địa bàn thành phố là 742 người (tăng 67,39% so với năm 2015), trong đó có 385 người được cấp thẻ nhà báo.

ĐẶNG NỞ

 

;
;
.
.
.
.
.