"Chung sống" an toàn với dịch

.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-9, thành phố Đà Nẵng chuyển sang trạng thái mới trong phòng, chống Covid-19, trong đó áp dụng các biện pháp “chung sống” an toàn với dịch bệnh sau khi tình hình đã được kiểm soát tốt.

Đỉnh điểm của Covid-19 lần thứ 2 trên địa bàn thành phố chính thức ghi nhận từ 0 giờ ngày 28-7, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn thành phố; khu vực 3 bệnh viện dọc tuyến đường Hải Phòng và khu dân cư lân cận bị phong tỏa.

Cả thành phố bước vào một thời kỳ hoàn toàn mới: Tập trung cao độ cho công tác phòng, chống Covid-19; thiết lập hàng chục vùng cách ly y tế; thành lập bệnh viện dã chiến; người dân không được ra đường khi không cần thiết; tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không cần thiết...

Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế cũng dành sự quan tâm, lưu ý đặc biệt với Đà Nẵng khi liên tục chỉ đạo, hỗ trợ phương án, bổ sung nhân lực, thiết bị.

Lần đầu tiên Đà Nẵng rơi vào một tình thế hết sức bất ngờ và khó khăn. Đó chính là trở thành tâm dịch của cả nước và bệnh viện - nơi đã sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch lại trở thành nơi bùng phát dịch. Tuy nhiên, cũng chính trong thời khắc khó khăn ấy, ngọn lửa quyết tâm, nội lực mạnh mẽ cùng sự đồng lòng, chia sẻ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố đã được phát huy.

Nhận định tình hình nguy cấp, Thường trực Thành ủy đã ban hành các công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể thành phố tiếp tục phát huy kinh nghiệm, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố…

Hàng loạt các biện pháp được triển khai gấp rút trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế. Ngành y tế với vai trò chủ lực trong phòng, chống Covid-19 đã huy động tối đa nhân lực, tập trung công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và đẩy mạnh xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng.

Các địa phương đã chủ động các phương án, thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế đối với những khu vực có nguy cơ… Và trong vô vàn tình huống khó khăn ấy, một lần nữa tấm lòng, sự đồng thuận của người dân thành phố biển lại tiếp tục thể hiện rõ. Đó là những hình ảnh chung sức hỗ trợ, chia sẻ khó khăn nơi tuyến đầu chống dịch; các hoạt động kêu gọi, giúp đỡ người dân khó khăn do dịch bệnh gây ra được triển khai xuyên suốt. Đây chính là động lực và niềm tin để thấy rằng, dịch bệnh rồi sẽ được đẩy lùi!

Chiều 3-9, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kiểm soát Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát và khả năng tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến nhiều mặt, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể thành phố cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên tinh thần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không trông chờ, phụ thuộc chỉ đạo của cấp trên.

Việc nới lỏng các hoạt động “trong trạng thái có nguy cơ lây nhiễm thấp” bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-9 là “nút mở” hết sức cần thiết cho nền kinh tế, bước đầu khôi phục, hồi sinh nhịp sống, sản xuất kinh tế của người dân.

Cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp chống dịch, đến nay đã qua 14 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới. Đây là tín hiệu được người dân thành phố thật sự vui mừng khi các hoạt động sẽ được nới lỏng để trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đánh giá của ngành y tế, việc chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh đòi hỏi các thói quen phòng, chống trong cộng đồng phải được duy trì, thực hiện ở mức cao.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tiếp tục đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện công cộng...

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc. Việc sống chung với dịch bệnh có thật sự an toàn, hiệu quả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chấp hành các quy định và thói quen hàng ngày của mỗi người dân chúng ta.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.