KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020)

Từng bước hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội

.

Những chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội thiết thực, giàu tính nhân văn của Đà Nẵng đã trở thành đòn bẩy giúp hàng ngàn hộ dân thành phố thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi Covid-19 tái bùng phát, chị Lê Thị Huỳnh (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) thường xuyên cùng nhóm thiện nguyện Hạnh Ngộ đến trao quà tại số 4 Lê Duẩn- điểm tiếp nhận hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19.

Chị Huỳnh vui vẻ khoe: “Nhờ chủ trương giúp hộ nghèo thoát nghèo của thành phố, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định được hơn một năm nay. Tôi đã thoát nghèo nên lúc này tôi muốn góp chút ít công sức để tỏ lòng biết ơn chính quyền đã giúp mình trong lúc cơ cực nhất”. Còn chị Nguyễn Thị Tám, tiểu thương ở chợ Tân Lập (phường An Khê, quận Thanh Khê) bộc bạch, cách đây hai năm, chị không có vốn để mua rau về bán. Sau đó, các cấp chính quyền đã giúp chị tiếp cận vốn vay ưu đãi, giờ đây chị đã có hẳn sạp tạp hóa, thu nhập mỗi ngày trung bình từ 200.000-300.000 đồng nên từng bước thoát cảnh khó khăn. “Kinh tế ổn định, gia đình không còn cảnh chạy ăn từng bữa, tôi không còn quá căng thẳng trong việc mưu sinh, con trai lớn cũng đã tự tin quay trở lại trường học”, chị Tám nói.

Những câu chuyện về sự “đổi đời” như thế của người nghèo diễn ra rất nhiều ở Đà Nẵng trong suốt 5 năm qua. Còn nhớ đầu năm 2019, theo chân đoàn kiểm tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), UBND quận Sơn Trà đến kiểm tra danh sách hộ nghèo ở phường Nại Hiên Đông nhận tiền hỗ trợ sửa chữa nhà, chúng tôi đã gặp không ít “người cũ” trong diện được sữa chữa nhà, hỗ trợ phương kế sinh nhai của năm trước. Tất cả đều hồ hởi kể về cuộc sống của mình hiện tại.

Theo họ, sự hỗ trợ rất căn cơ của thành phố về nhà ở, phương kế làm ăn, tặng thẻ bảo hiểm y tế, thậm chí hỗ trợ cả về giá điện, cũng như trợ cấp đột xuất khi gặp ốm đau, tai nạn... không chỉ là chiếc phao cứu sinh lúc khó khăn mà còn giúp người nghèo, người yếu thế trong xã hội vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tổng kết của Sở LĐ,TB&XH về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội từ năm 2015 đến 2020 cho thấy đây là lĩnh vực thành phố luôn đạt được kết quả ấn tượng, vững chắc, lâu dài. Liên tục từ năm 2016 đến nay, thành phố luôn đạt mức giảm bình quân số hộ nghèo hằng năm 2,66%. Riêng từ năm 2019, Đà Nẵng áp dụng dụng chuẩn mới về hộ nghèo với những tiêu chí cao hơn so với quy định của Trung ương, nhưng thành phố vẫn giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống chỉ còn 2,04%.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH thành phố Thái Đình Hoàng, đây là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể cũng như sự chung tay của xã hội. Đặc biệt, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, thành phố luôn có thêm những chính sách đi kèm mang tính đột phá, cũng như mở rộng đối tượng và thời gian được hưởng chính sách ưu đãi của thành phố. Ví dụ, Trung ương quy định, giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo ở khu vực thành phố có thu nhập 1,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống; trong khi đó, Đà Nẵng đã nâng mức này lên lần lượt là 1,5 triệu đồng và 1,3 triệu đồng/người/tháng. Điều này khiến tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố tăng lên nhưng có thêm nhiều người dân lại “lọt” vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo, từ đó, nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của thành phố để thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Song song, thành phố còn chú trọng đến các giải pháp mang tính lâu dài để không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn tránh được tình trạng tái nghèo. Đó là chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, khuyến nông, khuyến ngư, mô hình góp vốn vay vòng, tổ tiết kiệm tương thân tương ái, cũng như nhân rộng các mô hình làm kinh tế tốt để giúp người dân có việc làm ổn định. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2018, thành phố đã có 307.201 lượt người/hộ được thụ hưởng những chính sách này, qua đó, giúp 20.293 hộ thoát nghèo.

Riêng với trên 33.000 người thuộc nhóm yếu thế như ốm đau, bệnh tật, già yếu..., thành phố có chính sách trợ cấp hằng tháng mỗi người 500.000 đồng/tháng để ổn định cuộc sống. Những con số ý nghĩa trên đã và đang giúp người dân thành phố, nhất là người thuộc diện nghèo, cận nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội của thành phố.

Từ năm 2015 đến 2020, thành phố tổ chức 162 phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 18.000 doanh nghiệp tham gia, qua đó, tư vấn giới thiệu việc làm cho 324.000 người; trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 31.000 lao động. 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh 247.253 học viên, nhờ vậy nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%. Đề án “Có nhà ở” giai đoạn 2015-2020 đã huy động 1.339 tỷ đồng, xây dựng 2.588 căn hộ chung cư để bố trí cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, tái định cư...  98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giúp đỡ, 100% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Thực hiện Nghị quyết số 244/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 11-7-2019, nhằm giúp hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, thành phố đã quyết định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, 100% học phí dành cho học sinh mầm non và bậc phổ thông của con em có cha mẹ thuộc diện nhận hỗ trợ xã hội hằng tháng của thành phố; tăng  hỗ trợ từ 70% lên 90% mức đóng bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.