Quầy sách 0 đồng trên phố Trần Cao Vân

.

Một quầy sách nhỏ vừa được đặt trước trụ sở UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Bên cạnh quầy sách, nổi bật ở một góc vỉa hè trên tuyến đường Trần Cao Vân là tấm bảng in chữ “Điểm cho và nhận sách giáo khoa, truyện tranh”. Gần một tháng qua, nơi này đã trở thành điểm đến thân quen của nhiều học sinh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Nhiều phụ huynh đến quầy sách 0 đồng để tìm sách giáo khoa cho con trước thềm năm học mới. Ảnh: XUÂN SƠN
Nhiều phụ huynh đến quầy sách 0 đồng để tìm sách giáo khoa cho con trước thềm năm học mới. Ảnh: XUÂN SƠN

Có mặt ở quầy sách, em Đặng Hoàng Long (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) tìm cho mình những đầu sách giáo khoa lớp 11. Long cho biết, ba của em làm nghề phụ xe ô-tô, mẹ em là nhân viên giúp việc theo giờ. Gia đình không khá giả, Long thấu hiểu được nỗi lo của ba mẹ trước những khoản tiền cho con đầu năm học mới. “Năm nào em cũng đi xin sách cũ từ các anh chị lớp trên để sử dụng lại để tiết kiệm bớt chi phí mua sách cho ba mẹ. Có sách để học là tốt rồi, mới hay cũ cũng không quan trọng”, Long nói.

Quầy sách ấy đa số là sách giáo khoa đã qua sử dụng, xen giữa những tập sách đã cũ sờn vẫn có những đầu sách còn khá mới. Giá bán cho mỗi quyển, mỗi bộ sách là... 0 đồng, kèm theo nụ cười của “người bán” và “người mua”.

Đó là ý tưởng của chị Văn Nguyễn Thị Anh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Đông, từ một lần tham gia trực chốt phòng, chống Covid-19 tại điểm đường Yên Khê 2. Chị Hà kể: “Qua quá trình làm việc và theo dõi thông tin, tình cờ tôi biết được câu chuyện một em học sinh THCS trên địa bàn phường lên Facebook đăng thông tin xin được nhận sách giáo khoa cho năm học mới. Khi ấy, tôi quyết định liên hệ bạn bè và hội viên phụ nữ trong phường để hỗ trợ cho em đó một bộ sách. Bộ sách em đó nhận được là sách đã qua sử dụng nhưng hình thức vẫn rất mới”.

Từ hôm ấy, chị nhận thấy, nhiều người đang có đủ bộ sách giáo khoa của những khối lớp khác nhau. Cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng ngỏ lời nhờ chị tìm giúp cho con mình một bộ sách cho năm học mới. “Đa số người liên hệ xin sách là hộ gia đình khó khăn, người khuyết tật. Thấy nhu cầu xin sách cho con em trong năm học mới ngày một nhiều, tôi quyết định thành lập một nơi chuyên cho-nhận sách giáo khoa, để phụ huynh vơi đi nỗi lo trước thềm năm học mới”, chị chia sẻ.

Năm học này, hai con của chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) lần lượt bước vào lớp 10 và lớp 7. Với nghề công nhân môi trường, đợt dịch vừa rồi vợ chồng chị không thất nghiệp, thế nhưng anh chị cũng khó khăn với những khoản chi cần thiết cho con trong năm học mới. Có mặt và lựa sách cho con tại quầy sách miễn phí, chị Tuyết tâm sự: “Hôm nay tôi được về sớm, tranh thủ tìm sách cho con. Con gái lớn của tôi năm nay lớp 10, bé vừa đậu vào Trường THPT Thái Phiên. Cũng muốn mua cho con một bộ sách mới nhưng con bảo chỉ cần sách cũ là con yên tâm học”.

Bên cạnh người đến nhận sách, quầy sách còn thu hút nhiều người đến tặng sách giáo khoa, cặp sách và cả đồng phục mới để hỗ trợ chương trình.

Số sách tiếp nhận được sẽ được các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Đông sắp xếp, chọn lựa những cuốn còn dùng được. Sau đó, sách được phân chia thành từng bộ, theo từng khối lớp và xếp gọn lên quầy, chờ người đến nhận.Thỉnh thoảng, chiếc điện thoại của chị Hà lại rung lên báo tin nhắn. Trong đó, có những tin nhắn cảm ơn, có tin nhắn nhờ hỗ trợ sách.

Tất cả đều đến từ phụ huynh và những học sinh đã, đang và sẽ nhận sách. Theo ước tính của chị Hà, từ “quầy sách 0 đồng” này, đến nay đã có gần 1.000 bộ sách giáo khoa, truyện tranh, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục và cặp sách được trao tận tay các em học sinh. Chị cho biết: “Ban đầu quầy sách lập ra với dự tính xin một số ít, chừng vài bộ sách.

Thế rồi những hoàn cảnh khó khăn tìm đến với chương trình ngày một nhiều, chúng tôi quyết định kéo dài hoạt động đến khi nhu cầu cần sách đã hết. Chúng tôi chỉ mong rằng, chương trình của mình có thể góp thêm niềm vui, san sẻ đi những âu lo cho các em học sinh và gia đình khi bước vào năm học mới”.

Bên cạnh quầy sách 0 đồng ở phường Thanh Khê Đông, nhiều phường trên địa bàn quận Thanh Khê cũng đã triển khai các mô hình tương tự nhằm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn an tâm bước vào năm học mới. Trong đó, chủ yếu hỗ trợ sách vở, truyện tranh, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, sữa... Theo ước tính của quận, gần 400 suất quà với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng đã được trao. 

XUÂN SƠN

 

;
;
.
.
.
.
.