Cả hệ thống chính trị nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão số 9

.

Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra, ngày 29-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là đề phòng sạt lở đất, khắc phục cây xanh ngã đổ, dọn vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (phải) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra thực tế công tác khắc phục thiệt hại do nước biển dâng cao tại tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. (Ảnh trên)  				               Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (phải) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra thực tế công tác khắc phục thiệt hại do nước biển dâng cao tại tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.  Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão

Sáng 29-10, tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, đơn vị và quận, huyện về chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 9 và tổng dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc khắc phục thiệt hại và dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường sau bão. Đồng thời, xử lý vệ sinh y tế, khử trùng nguồn nước, phun thuốc diệt trừ muỗi... để diệt trừ các mầm mống của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân sau bão. “Khắc phục thiệt hại và tổng dọn vệ sinh môi trường sau bão là công việc không phải của chỉ riêng ngành nào, mà là của cả hệ thống chính trị. Các lực lượng vũ trang của thành phố là nòng cốt, chủ trì và chủ động tổ chức triển khai ra quân khắc phục. Đồng thời phát động, hướng dẫn nhân dân cùng làm. Huy động tổng lực như vậy mới bảo đảm khắc phục nhanh chóng thiệt hại do bão số 9”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, mặc dù cơn bão đã đi qua, nhưng các đơn vị chức năng và người dân không được chủ quan vì thường có nhiều thiệt hại sau bão. Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở đất để tổ chức di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm này. Đồng thời, đề xuất sớm các biện pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở đất, chủ động cắt gọt các quả đồi để ngăn chặn sớm... Các quận, huyện khẩn trương có các biện pháp chủ động hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà cửa của người dân, trường học, công sở sau bão. Khi hỗ trợ, phải sàng lọc bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp...

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cưa cắt các cây lớn bị ngã đổ chắn ngang các tuyến đường. (Ảnh dưới, bên trái) 					  Ảnh: XUÂN SƠN
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cưa cắt các cây lớn bị ngã đổ chắn ngang các tuyến đường. Ảnh: XUÂN SƠN

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng khắc phục tình trạng cây xanh ngã đổ; các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huy động các loại xe tải, xe múc, xe xúc lật của các nhà thầu phối hợp với các đơn vị quân đội và Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tổng dọn vệ sinh môi trường sau bão. “Phấn đấu trong 2 ngày 29 và 30-10, sẽ hoàn thành tổng dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường. Các địa phương phát động nhân dân cùng ra quân dọn vệ sinh môi trường vào cuối tuần này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo.

Trước việc có 21 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, 69 nhà bị tốc mái một phần, 1 nhà bị sập, 2 nhà bị hư hỏng... do bão số 9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục thống kê thiệt hại về nhà cửa bị sập, tốc mái, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do lũ và bão để đề xuất hỗ trợ. Ưu tiên hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà cửa cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách kịp thời. Đối với các thiệt hại của trường học, công sở, các quận, huyện chủ động xuất kinh phí khắc phục sớm và nếu kinh phí khắc phục lớn thì đề xuất thành phố bổ sung...

Các đơn vị chức năng huy động phương tiện cơ giới xúc dọn cát trên tuyến đường Hoàng Sa. (Ảnh dưới, bên phải)  				               Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị chức năng huy động phương tiện cơ giới xúc dọn cát trên tuyến đường Hoàng Sa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trưa 29-10, đến kiểm tra thực tế công tác khắc phục thiệt hại do nước biển dâng cao trong bão số 9,  Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã biểu dương sự chủ động, kịp thời ra quân của các đơn vị và lực lượng quân đội. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện, đặc biệt là cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng ra quân khắc phục nhanh những thiệt hại do bão số 9 gây ra, nhất là khắc phục cây xanh ngã đổ, dọn vệ sinh trên các đường phố... Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng triển khai khắc phục tình trạng cát và các vật dụng bị cuốn trôi ra đường, bảo đảm thoát nước, vệ sinh môi trường và nhanh chóng hoàn trả mặt đường để bảo đảm an toàn giao thông.

Lực lượng vũ trang giúp dân

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và phương tiện được huy động tối đa trong 2 ngày 28 và 29-10 để  xử lý cây ngã đổ. 								          Ảnh: XUÂN SƠN
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và phương tiện được huy động tối đa trong 2 ngày 28 và 29-10 để xử lý cây ngã đổ. Ảnh: XUÂN SƠN

Từ chiều tối 28-10, lực lượng vũ trang thành phố đã triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp người dân khắc phục hậu quả. Chiều 28-10, Giám đốc Công an thành phố có công văn chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, giúp dân vùng thiệt hại vượt qua khó khăn. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố cho biết, các đơn vị đã triển khai lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý cây xanh ngã đổ, các vật dụng, chướng ngại vật gây ách tắc, mất an toàn giao thông hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Cạnh đó, bố trí lực lượng, phương tiện (xe, máy bơm chữa cháy) hỗ trợ nhân dân bơm nước chống ngập ở khu vực nội thành, nhất là các cơ sở trọng điểm về chính trị, bệnh viện, trường học, khu chung cư, nhà cao tầng...

Đại úy Nguyễn Huy Linh, Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Cứu nạn và cứu hộ Công an thành phố cho biết, trước, trong và sau bão, lực lượng đã thường trực để làm nhiệm vụ khi có chỉ đạo. Bão đổ bộ vào đất liền, Đà Nẵng có nhiều cây xanh ngã đổ nên lực lượng đã tổ chức người, phương tiện nỗ lực khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông. Tại các khu vực trên địa bàn thành phố, lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Cứu nạn và cứu hộ... huy động toàn bộ lực lượng để khắc phục cây xanh ngã đổ trên đường phố, dựng lại các bảng hiệu, biển quảng cáo, trụ đèn, giúp người dân, cơ quan, doanh nghiệp kịp thời ổn định cuộc sống.

Bên cạnh lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ (gồm bộ đội chính quy và lực lượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ) tham gia chống bão và khắc phục bão số 9. Theo ghi nhận, từ đêm 28-10 đến nay, Ban Chỉ huy Quân sự quận Hải Châu triển khai nhiều mũi công tác để khắc phục cây xanh ngã đổ tại các tuyến đường, các trường học. Đại úy Tạ Hoàng Ân, Phó Tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự quận Hải Châu cho biết, khi bão tan, Ban Chỉ huy quân sự quận tiến hành nắm tình hình thiệt hại, sau đó phân công, cắt cử các tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả. “Trong đêm 28-10, chúng tôi chia thành nhiều tổ giải phóng cây xanh ngã đổ, bảo đảm đường thông thoáng. Trong ngày 29-10, chúng tôi cũng tiến hành chia thành nhiều tổ để giúp các trường khắc phục cây xanh gãy ngã, bảo đảm an toàn cho nhà trường đón học sinh trở lại vào sáng 30-10”, Đại úy Tạ Hoàng Ân cho biết.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố và các đồn, trạm cũng triển khai lực lượng khắc phục hậu quả bão số 9 từ khi bão suy yếu. Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, trước và trong bão số 9, đơn vị đã trưng dụng toàn bộ tàu, xuồng, ca-nô để hỗ trợ giúp dân di tản tránh bão, kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Xuyên đêm 28-10 và ngày 29-10, toàn bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các đơn vị vũ trang, cùng nhân dân tổ chức giải phóng cây xanh, dọn dẹp các cơ quan, giúp dân sửa chữa lại nhà, tổng dọn vệ sinh môi trường tại các khu vực dân cư, sớm trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Ngay sau khi cơn bão Molave đi qua, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố đã xuống đường chung tay dọn dẹp những cây xanh ngã đổ, gãy nhánh, chắn ngang đường do bão. Tại quận Thanh Khê, từ 6 giờ sáng 29-10, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đã có mặt tại các tuyến đường có nhiều cây ngã đổ như Cần Giuộc, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Công Hãn, Phan Xích Long... để cưa cắt, dọn dẹp, thu gom bảo đảm an toàn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Anh Nguyễn Văn Thành, đoàn viên, thanh niên quận Thanh Khê cho biết, không chỉ sáng nay mà ngay sau khi bão tan, tối 28-10, các đoàn viên, thanh niên đã xuống đường trong đêm để khắc phục hậu quả bão. Công việc này được thanh niên toàn quận thực hiện liên tục cho đến khi hoàn thành việc xử lý các cây ngã đổ cũng như trả lại môi trường sạch sẽ cho các tuyến đường. Tại quận Cẩm Lệ, hàng trăm đoàn viên, thanh niên cũng có mặt trên các tuyến đường như Lý Nhân Tông, Huy Cận, Bầu Tràm 1, Lương Nhữ Hộc... để cùng các lực lượng chức năng và người dân địa phương thu gom cây ngã đổ. Tại quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang công tác khắc phục hậu quả sau bão cũng được các đoàn viên, thanh niên khẩn trương thực hiện. Từng nhóm đoàn viên, thanh niên, người chặt cây, chặt nhánh, người quét rác, người thu gom đổ vào bao tải đưa về nơi tập kết... Với tinh thần “đâu cần thanh niên có”, tuổi trẻ Đà Nẵng những ngày này đã xung kích góp sức cùng thành phố khắc phục nhanh hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân thu dọn cát và rác trên tuyến đường Hoàng Sa để bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường. 								     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân thu dọn cát và rác trên tuyến đường Hoàng Sa để bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ động phòng, chống lũ và sạt lở

Mặc dù trong ngày 28-10, các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã phối hợp liên hồ, vận hành cắt đỉnh lũ lịch sử và vận hành giảm lũ cho hạ du. Các hồ thủy điện đã cắt lũ cho hạ du hơn 250 triệu m3 nước. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn và lưu lượng lũ xả về hạ du sông Vu Gia có thời điểm lên đến hơn 7.550m3/s nên lũ trên sông Vu Gia dâng lên mức 9,41m, trên báo động (BĐ) 3 là 0,41m, gây ngập sâu một số khu vực tại huyện Hòa Vang. Đến chiều 29-10, lũ đã tràn qua tuyến đường Hòa Tiến - Hòa Phong cùng nhiều tuyến đường như: ĐH.409, đường Hương Lam - La Châu... Theo UBND huyện Hòa Vang, đến 16 giờ chiều 29-10, có 11 thôn ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong bị ngập lũ, trong đó, xã Hòa Tiến có 141 nhà bị ngập... Trong ngày 29-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo huyện Hòa Vang và các quận có sông, khẩn trương triển khai công tác phòng, chống lũ. Đặc biệt, bố trí lực lượng tuần tra ở trên sông và bờ để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không được vớt củi, đánh cá... để tránh xảy ra thiệt hại về nhân mạng và cương quyết xử lý những trường hợp không chấp hành...

Cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng có Công văn số 08-CV/TU yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang, Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ và Liên Chiểu triển khai các biện pháp để phòng ngừa các thiệt hại phát sinh sau bão. Theo đó, khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng đồi núi trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở, có phương án cảnh báo, khắc phục và di dời ngay người dân đến nơi trú tránh an toàn. Xây dựng phương án xử lý những nơi có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Dự báo tình hình mưa lũ và có phương án kiểm soát lưu lượng nước thượng nguồn đổ về vùng hạ du của thành phố; có phương án bảo đảm an toàn các hồ, đập, tránh nguy cơ gây thiệt hại cho vùng hạ du. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, thông báo đến nhân dân tuyệt đối không được vớt củi, đánh bắt cá tại các khu vực ven sông, ven suối... trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nêu trên tại địa bàn mình phụ trách.

* Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến sáng ngày 29-10, có hơn 10,35 ha rau màu bị thiệt hại; 19,95 ha diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị gãy cành, ngã đổ; 12.500 bịch nấm bị hư hỏng; 6.820 gia cầm bị chết; 47.500m2 nhà màng ở xã Hòa Châu, Hòa Phú bị tốc mái hoàn toàn; 25.000m2 nhà màng bị sụp hoàn toàn... Ngoài ra, một số vùng trồng rau công nghệ cao cũng bị thiệt hại do cơn bão số 9. (VĂN HOÀNG)

Trong khi đó, ngày 29-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết đang chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn thành phố khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi thiên tai để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo yêu cầu của NHNN Việt Nam về hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, hướng dẫn khách hàng bị thiệt hại vay vốn theo các nghị định và thông tư của Chính phủ đã ban hành, thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 9 gây ra... (M.QUẾ)

Quảng Nam: Tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương

Ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Do điều kiện địa hình, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao, vì vậy yêu cầu, trong quá trình tìm kiếm, phải phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn được đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.  Bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp. Khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,... để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động mọi phương tiện, lực lượng cần thiết, phù hợp tập trung khắc phục sớm nhất các đoạn, tuyến giao thông bị sạt lở tạo điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.

Chiều 29-10, sau nỗ lực khắc phục điểm sạt lở cuối cùng tại Km81 thuộc quốc lộ 40B được thông tuyến, lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) làm vùi lấp 52 người.

Thông tin cập nhật đến 18 giờ ngày 29-10, 33 người đã được cứu, trong đó có 16 người bị thương (8 người bị thương rất nặng). Các lực lượng chức năng đã tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người vẫn đang mất tích. Còn vụ sạt lở tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) được xác định là có 8 người chết.

Trong sáng 29-10, một vụ sạt lở đất khác xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn đã vùi lấp 11 người. Đến 18 giờ chiều cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 4 thi thể, còn lại 7 người đang mất tích. Ngoài ra, vẫn còn 2 cán bộ xã Trà Vân vẫn đang mất tích do sạt lở đất. Bão số 9 làm thiệt hại hoàn toàn 295 căn nhà và thiệt hại một phần 3.025 căn nhà cùng nhiều trường học, nhà công vụ giáo viên, nhà công vụ học sinh, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng. 12 tàu, thuyền bị chìm; 91 trụ điện bị gãy, đổ; các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ do tỉnh Quảng Nam quản lý bị thiệt hại ước tính 4,5 tỷ đồng; bờ biển Cửa Đại tại Hội An tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500m3...

UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với UBND các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Các sở, ngành liên quan khắc phục hệ thống điện, bảo đảm giao thông bước 1 phục vụ dân sinh... Các địa phương và hội đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai; tập trung khắc phục thiệt hại về dân sinh để sớm ổn định đời sống nhân dân...

B.T - HOÀNG HIỆP

NHÓM PHÓNG VIÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích