ĐNO - Trong chương trình của Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, ngày 22-10, các đại biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao tiếp tục nêu các kiến giải, đề xuất ý kiến ở nhiều lĩnh vực để cùng bàn giải pháp xây dựng Đà Nẵng phát triển toàn diện.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung: Làm tốt hơn nữa cầu nối giữa “Ý Đảng - Lòng dân”
Bằng lý luận và thực tiễn, Đảng đoàn HĐND thành phố rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp nêu cao vai trò của Đảng đoàn HĐND thành phố trong công tác giám sát, nhất là việc triển khai các chủ trương lớn của thành phố, cụ thể như sau:
Để hoạt động của HĐND thực sự hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực quyền, khẳng định được vai trò cơ quan quyền lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân thì tổ chức bộ máy nhân sự của HĐND thành phố phải xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, Đảng đoàn HĐND thành phố kiến nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt công tác của HĐND, nhất là về công tác cán bộ.
Quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ HĐND gắn kết quả nhân sự Đại hội đảng bộ thành phố và quy hoạch nhân sự chủ chốt của HĐND thành phố nhiệm kỳ mới. Lãnh đạo xây dựng tốt Đề án cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố, chú trọng việc lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm. Phối hợp triển khai và giám sát, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.
Tiếp tục quán triệt nhiệm vụ thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng các Nghị quyết của HĐND là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng đoàn HĐND thành phố. Ngay sau Đại hội này, Đảng đoàn HĐND thành phố sẽ tập trung phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các tổ chức liên quan chỉ đạo thể chế hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung; Quy hoạch thành phố; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng… một cách chủ động, nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả và đúng thẩm quyền, trên tinh thần sớm đưa các chủ trương lớn, các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả và toàn diện, tạo bước đột phá, nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển thành phố.
Tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được, trong thời gian đến, Đảng đoàn HĐND thành phố tiếp tục chỉ đạo đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục, nội dung giám sát một cách khoa học, bài bản; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND; tăng cường giám sát thường xuyên; giám sát chuyên đề; tổ chức các phiên chất vấn, giải trình; phiên họp thường kỳ hằng tháng; tăng cường kiểm tra thực tế, sâu sát cơ sở để xử lý các “khoảng trống” khi không tổ chức HĐND quận, phường.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh: Phát triển du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế
Nhằm khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố đề xuất xây dựng các giải pháp gồm:
Một là, thành phố cần phải cơ cấu lại ngành du lịch theo 4 lĩnh vực cơ bản gồm cơ cấu lại thị trường khách; sản phẩm du lịch; hệ thống cơ sở hạ tầng-cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực.
Hai là, triển khai quy hoạch định hướng phát triển du lịch với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch chuyên đề. Quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt.
Ba là, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, trong đó: Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng; phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm và tăng cường khai thác du lịch thủy nội địa.
Bốn nhóm sản phẩm chủ lực được xác định là: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (M.I.C.E); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các đề án du lịch lớn đã phê duyệt tại Nam Ô, Thọ Quang, K20, Hòa Vang và hỗ trợ hình thành các sản phẩm mới, đặc sắc như Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, Phố đêm 24/7, bán đảo Sơn Trà; kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu, trung tâm du thuyền, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chuyển đổi Cảng biển Tiên Sa thành cảng du lịch.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chất lượng dịch vụ: Đặt mục tiêu chuyên nghiệp lên hàng đầu, triển khai chuẩn hóa nguồn nhân lực và quy trình phục vụ đối với các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn chuyên nghiệp.
Sáu là, đổi mới công tác quản lý Nhà nước, phát triển du lịch phù hợp định hướng và mục tiêu đề ra. Tháo gỡ các điểm nghẽn-khó khăn vướng mắc hiện nay để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý khai thác các khu điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử… Hỗ trợ khuyến khích hình thành các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế; đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch an ninh, an toàn và mến khách.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch. Ưu tiên ứng dụng công nghệ số để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển, phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.
Cuối cùng là tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước để phát triển du lịch, tập trung mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế để hợp tác quảng bá điểm đến, khai thác sản phẩm và trao đổi nguồn khách. Tranh thủ lợi thế các thị trường có kết nối đường bay trực tiếp, nguồn lực từ các cơ quan ngoại giao và các hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động, chương trình hợp tác phát triển. Xúc tiến mở các đường bay trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ...
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn: Quyết tâm xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Xác định quy hoạch là cơ sở, là nền tảng của sự phát triển đồng thời quy hoạch phải gắn liền với tiềm năng, lợi thế của địa phương, Hòa Vang tập trung xây dựng định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ động đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng đô thị về phía Tây và Tây Nam thành phố;
Tích cực phối hợp trong lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu dân cư gắn với bảo vệ môi trường… phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố; phối hợp và đề xuất thành phố thí điểm quy hoạch, đầu tư hình thành từ 01 đến 02 khu đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị sườn đồi gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trên các lĩnh vực: đầu tư khớp nối các tuyến đường liên thôn, liên xã với các tuyến đường huyện, đường tỉnh; đầu tư những ngôi trường mới, hiện đại; đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hội họp góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đầu tư hình thành khu vực trung tâm huyện và trung tâm hành chính các xã;
Đầu tư xây dựng mạng lưới cây xanh, công viên, vườn dạo trên địa bàn huyện nhằm hình thành và duy trì mảng xanh góp phần bảo vệ môi trường và nguồn nước trên địa bàn thành phố. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huyện chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn lực của dân. Sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương phát triển đô thị, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nguồn lực quan trọng và bền vững nhất.
Ngoài ra, giải phóng mặt bằng là điều kiện tiên quyết để triển khai tất cả các dự án trên địa bàn, nhất là những dự án động lực, trọng điểm của thành phố có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ động đề xuất thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hòa Vang, tạo điều kiện cho huyện phát triển trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy lồng ghép thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đề xuất thành phố đẩy mạnh phân cấp quản lý trên các lĩnh vực nhất là phân cấp nguồn thu nhằm tăng dần tính tự chủ ngân sách, phân cấp nhiệm vụ chi gắn liền với đặc thù của địa phương, tạo thuận lợi cho huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với phát triển kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đô thị, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, chăn nuôi tập trung, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao; sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung: Khai thác hạ tầng giao thông vận tải tạo động lực phát triển nhanh và bền vững
Thứ nhất là tham mưu tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành đề xuất Chính phủ sớm có chủ trương đẩy nhanh công tác đầu tư các dự án, công trình trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố.
Tiến hành rà roát sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giữa các Chủ đầu tư với các sở, ban ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện cho cụ thể, phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm Sở chuyên ngành, người đứng đầu các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó trọng tâm là phương án, các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng được đặt lên hàng đầu, đi trước một bước tạo mặt bằng triển khai xây dựng sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, tạo đà phát huy hiệu quả các công trình trọng điểm, động lực, bằng nhiều hình thức đầu tư, phù hợp.
Thứ hai là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hạ tầng hiện có và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý và giám sát điều hành giao thông; đầu tư, quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống camera giám sát giao thông.
Triển khai nhiều giải pháp các Kết luận của Ban Bí thư, Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. Mở rộng tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, tiếp tục xây dựng ý thức và ứng xử tham gia giao thông là thước đo văn hóa, văn minh đô thị.
Thứ ba là, phát triển hợp lý và nâng cao chất lượng các loại hình vận tải, dịch vụ; mở rộng liên kết các phương thức vận tải và tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Thực hiện kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố, hoàn thiện và tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bảo đảm tính bao phủ;
Nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; mạng lưới giao thông thủy nội địa; xúc tiến với các Nhà đầu tư nghiên cứu khả thi hệ thống đường sắt đô thị phục vụ giao thông cộng cộng khối lượng lớn.
Thứ tư là, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý điều hành, cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một của liên thông, thường xuyên rà soát, loại bỏ đơn giản các thủ hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian, đảm bảo công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm là, xây dựng đội ngũ công chức, viên chúc chuyên nghiệp, trách nhiệm và hành động quyết liệt, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm vững vàng, thường xuyên nghiên cứu những cách làm hay, có tính sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới với nhiều loại hình giao thông tiên tiến, hiện đại như giao thông ngầm, giao thông trên cao, giao thông khối lượng lớn được nghiên cứu triển khai áp dụng trong bước lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật hợp lý, tạo động lực cho phát triển KT-XH của thành phố nhanh và bền vững.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đặng Nở |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh: Năm 2030 thành phố sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; mục tiêu đến năm 2030 thành phố sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Đại hội nghe báo cáo tham luận chiều ngày 22-10. ẢNH: SƠN TRUNG |
Vì vậy, để tiếp tục triển khai hiệu quả chính quyền đô thị (CQĐT), thành phố thông minh (TPTM) và phát triển công nghiệp CNTT thành phố, hoàn thành công tác chuyển đổi số cần đảm bảo sự liên kết và đồng thuận; sự phối hợp, tham gia, đồng hành của các cơ quan trên địa bàn thành phố trong xây dựng CQĐT, TPTM; đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; tích cực xúc tiến đầu tư, hợp tác, huy động nguồn lực tài chính và công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia xây dựng TPTM, tạo nên tính đa dạng góp phần đạt được sự cân bằng giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà cung cấp giải pháp.
Với mục tiêu trên, Đảng Bộ Sở Thông tin và Truyền thông kính đề xuất, chia sẻ 4 nhận định phục vụ triển khai CQĐT, TPTM gồm:
Một là, công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, chứ tự nó không tạo ra đổi mới cho khu vực công. Đổi mới của khu vực công phải bắt đầu từ đổi mới quản trị công, từ cải cách hành chính.
Hai là, quy trình nghiệp vụ chuyên môn đóng vai trò chính trong triển khai ứng dụng CNTT. Một quy trình nghiệp vụ tốt thì chỉ cần một công nghệ rất đơn giản đã có thể mang lại giá trị lớn, nhưng một quy trình nghiệp vụ tồi thì công nghệ dù có hiện đại cũng không giúp tạo ra giá trị.
Ba là, thông minh thì cần phải có dữ liệu để các Hệ thống tích lũy Tri thức, trong công nghệ gọi là Máy học (Machine Learning); do vậy việc triển khai xây dựng TPTM cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình làm giàu dữ liệu, hay nói cách khác cần chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu đề ra theo từng giai đoạn và phải liên tục cập nhật, bổ sung, cải tiến.
Bốn là, triển khai kinh tế số cần có cơ chế Sand Box nhằm tạo môi trường để các Doanh nghiệp địa phương chuyển dần từ Gia công (ITO, BPO) xây dựng, làm sản phẩm và dịch vụ CNTT.
SƠN TRUNG – TRỌNG HÙNG