Từ chiều 12-10, tại quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, lũ đã rút, nhưng ở một số nơi tại xã Hòa Tiến, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), lũ rút chậm. Do trên khu vực thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn đã ngớt mưa từ sáng sớm 12-10 nên lưu lượng xả tràn của các hồ thủy điện giảm dần, làm mực nước sông Vu Gia dần hạ thấp.
Do lũ rút chậm nên đến 12 giờ trưa 12-10, nhiều nhà dân ở xã Hòa Khương vẫn còn bị ngập. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đến 13 giờ ngày 12-10, mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa ở mức 8,56m, thấp hơn 1,26m so với lúc 1 giờ sáng. Các hồ thủy điện cũng đã giảm mạnh lưu lượng xả tràn về sông Vu Gia, chỉ còn khoảng 450m3/s (lúc 16 giờ chiều 12-10). Vì thế, tại các khu vực ngập lũ của huyện Hòa Vang như: các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Châu... và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), lũ rút dần.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Hòa Vang, do lũ rút rất chậm tại các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn và Hòa Châu nên đến 15 giờ 30 ngày 12-10, còn 39 thôn thuộc các xã nói trên đang ngập sâu.
Cùng với đó, còn 216 hộ (653 người) ở các xã nói trên phải ở nơi sơ tán do đang bị ngập sâu trong lũ. Đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người mất tích tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh; còn nạn nhân trượt chân tại tràn xả sâu của hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) vẫn chưa tìm thấy thi thể. Tính đến nay, mưa lũ đã làm thiệt về hoa màu đến 94ha cùng hàng chục ngàn chậu hoa các loại trồng để phục vụ Tết bị hư hại; hơn 10.000 cây dừa, 2.000 cây ăn quả, 2.000 cây chuối, 170ha mía bị hư hại; 36,34ha nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi.
Thực hiện Công điện số 09/CĐ-PCTT của UBND thành phố về tiếp tục thực hiện công tác phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất, UBND huyện Hòa Vang đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng cứu nạn, cứu hộ hỗ trợ tìm kiếm 1 người bị nước cuốn trôi tại xã Hòa Khương. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tăng cường trực quản lý, xử lý các công trình hồ đập trên địa bàn huyện Hòa Vang, không để xảy ra sự cố, đặc biệt là đập dâng An Trạch.
Ngày 12-10, theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, nhằm chủ động ứng phó với đợt lũ lớn vừa qua, các địa phương đã sơ tán 901 hộ dân (3.036 người) ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn... Đến 16 giờ chiều 12-10, do mực nước các sông xuống chậm và tình hình ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư đã giảm nên một số hộ dân đã trở về nhà. Hiện các lực lượng chức năng cũng tìm thấy 1 thi thể là ngư dân trên tàu cá ĐNa 90988 TS bị mất tích trên biển. Thành phố còn 2 người mất tích do mưa lũ (2 người chết). Mưa lũ làm nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nước nặng và sạt lở; 457 cây bị nghiêng thân, gãy cành, ngã đổ; 12 trường của huyện Hòa Vang bị ngập...
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương kiên quyết nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối có nước chảy xiết. Các đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Các sở, ngành, quận, huyện triển khai lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa, lũ...
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 12-10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7 (có tên quốc tế là NANGKA). Dự báo đến 16 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 15-20km/giờ và đến 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
HOÀNG HIỆP