Miền Trung trắng đêm phòng, chống bão số 9

.

ĐNO - Tính đến 6 giờ sáng nay (28-10), có 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị chìm, mất liên lạc trên biển. Tối qua (27-10), tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp gấp của Ban Chỉ đạo tiền phương và chỉ đạo "thức cả đêm", tận dụng "thời gian vàng" trước khi bão số 9 đổ bộ để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 tại Đà Nẵng vào tối 27-10. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai/Đoàn Bắc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương phòng, chống bão số 9 tại Đà Nẵng vào tối 27-10. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc hết sức quyết liệt của các địa phương. Nhưng một số địa phương cũng gặp khó khăn, cần phải khắc phục ngay trong công tác bảo đảm an toàn tàu thuyền, ngư dân trên biển. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố và không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục yêu cầu các địa phương hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, triển khai các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… thậm chí phải cao hơn một mức so với cảnh báo.

“Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là thời gian vàng để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống bão, có như vậy mới bảo vệ được người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo một số tỉnh miền Trung, yêu cầu triển khai mọi biện pháp phòng, chống bão với tinh thần “phải thức cả đêm”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm.

Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng cho biết, đến 6 giờ sáng 28-10, toàn bộ tàu thuyền đã, đang thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó có 46 tàu cá với 368 ngư dân của tỉnh Bình Định đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm trên biển. Trong ngày 27-10, đã xảy ra 2 sự cố về tàu cá của tỉnh Bình Định. Ngoài 2 tàu cá bị chìm của ngư dân Bình Định, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác.

Các địa phương đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông; các địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều ứng phó với bão khẩn cấp và mưa lũ lớn. Theo đó, đối với khu vực trên biển, đang tìm kiếm cứu nạn 2 tàu cá của Bình Định; kiên quyết kêu gọi, yêu cầu 46 tàu cá của ngư dân Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố; tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.

Đối với khu vực trên đất liền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền để xử lý các tình huống; rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế; chỉ đạo vận hành hệ thống hồ chứa hồ chứa bảo đảm an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du...

 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.