ĐNO - Bão số 13 hiện còn cách Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế khoảng 210km về phía đông, sóng biển dâng cao từ 4 - 6 mét, vùng gần tâm bão từ 6 -10 mét lớn. Hiện công tác di dời, sơ tán người dân đến nơi tránh bão vẫn đang được các quận, huyện khẩn trương thực hiện, tranh thủ từng giờ.
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 13 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) |
Lúc 14 giờ 30 ngày 14-11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vị trí tâm bão lúc 13 giờ ở khoảng 16 độ vĩ bắc; 110,3 độ kinh đông, cách Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế khoảng 210km, cách Quảng Trị khoảng 350km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão. Trong 3 giờ vừa qua, cường độ bão số 13 đã giảm đi 1 cấp.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 1 giờ sáng ngày 15-11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 108,4 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ vĩ bắc; 112,5 độ kinh đông có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Lào-Thái Lan.
Vùng biển phía tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) chiều nay có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 8-10m, biển động dữ dội.
Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Trên đất liền từ phía nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão số 13 sau kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16-11, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 350mm; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 200mm.
Từ tối nay (14-11) đến ngày 16-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Nam ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; các sông thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi ở mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình), Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), Nam Đông, A Lưới, Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng), Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt là: Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới (Quảng Bình), Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Đông Hà, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hòa Vang, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam), Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức và thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
* Chiều 14-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, đã có văn bản gửi các quận, huyện và đề nghị triển khai công tác phòng, chống lũ lụt do các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 xả lũ.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty CP Thủy điện A Vương vận hành hồ thủy điện A Vương xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng cao hơn lưu lượng lũ về hồ từ 100-200m3/s. Công ty Thủy điện Sông Bung vận hành hồ thủy điện Sông Bung 2 xả lũ về hạ du với lưu lượng cao hơn lưu lượng lũ về hồ từ 25-100m3/s. Công ty CP Thủy điện Đăk Mi vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với tổng lưu lượng lũ xả về sông Vu Gia và sông Thu Bồn cao hơn lưu lượng lũ về hồ từ 100-300m3/s. Công ty Thủy điện Sông Tranh vận hành hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ về hạ du sông Thu Bồn với tổng lưu lượng cao hơn lưu lượng lũ về hồ từ 300-1.000m3/s nhằm tiếp tục hạ thấp mực nước hồ để đón lũ.
Sau khi được chỉ đạo vận hành xả lũ trong hồ để đón lũ mới, các hồ thủy điện đã xảvề sông Vu Gia với tổng lưu lượng 2.080m3/s (lúc 15 giờ ngày 14-11), tổng lưu lượng xả lũ về sông Thu Bồn là hơn 1.700m3/s (lúc 15 giờ).
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, các quận huyện vẫn khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn. Theo đó, quận Liên Chiểu sơ tán 59.192 người, chủ yếu là công nhân, sinh viên đang thuê ở trọ trong những căn phòng không bảo đảm an toàn. Huyện Hòa Vang tiến hành sơ tán 13.859 người, trong đó có 1.208 người dân ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét tại các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc. Quận Sơn Trà tiến hành sơ tán 12.290 người, quận Cẩm Lệ là 5.433 người, quận Ngũ Hành Sơn với 2.478 người…
HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG