Khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 13

.

Phát huy kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về phòng, chống bão thời gian qua, từ ngày 13 đến 15-11, thành phố Đà Nẵng đã chủ động các phương án, tập trung ứng phó bão số 13 (Vamco) với tinh thần khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Các đơn vị chức năng huy động phương tiện cơ giới xúc dọn cát, rác trên tuyến đường Hoàng Sa trong sáng 15-11. 			             Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị chức năng huy động phương tiện cơ giới xúc dọn cát, rác trên tuyến đường Hoàng Sa trong sáng 15-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tập trung chỉ đạo công tác ứng phó

Trưa 14-11, ngay khi gió trên đất liền bắt đầu mạnh dần, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra các điểm sơ tán dân và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 13 tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

Tại các nơi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu chính quyền địa phương tập trung sơ tán hết nhân dân sống trong các căn nhà mái tôn, mái ngói không kiên cố ở khu vực dân cư ven bờ kè chắn sóng biển tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đến nơi an toàn. Về lâu dài, quận đề xuất phương án di dời, bố trí tái định cư đối với các hộ dân này để người dân đến sinh sống ở nơi mới an toàn hơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết  cũng yêu cầu UBND quận Liên Chiểu phối hợp với các sở, ngành nhanh chóng đề xuất đầu tư cứng hóa nhà sinh hoạt cộng đồng và khu nhà liền kề tổ 13 và 14, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) để phục vụ người dân. Đồng thời, sớm đề xuất phương án tái thiết đô thị tại khu nhà liền kề (nhà cấp bốn, mái lợp tôn) để người dân được sống trong những căn nhà kiên cố, khang trang, an toàn trong mỗi mùa bão về.

Một đoạn bờ kè trên vỉa hè tuyến đường Như Nguyệt, quận Hải Châu bị sóng đánh gây sạt lở, hư hỏng. 								      Ảnh: XUÂN SƠN
Một đoạn bờ kè trên vỉa hè tuyến đường Như Nguyệt, quận Hải Châu bị sóng đánh gây sạt lở, hư hỏng. Ảnh: XUÂN SƠN

Giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả

Sáng sớm 15-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 13 gây ra trên một số tuyến đường và cập nhật nhanh thiệt hại từ các địa phương, sở, ngành.  Tại tuyến đường Như Nguyệt tại đoạn gần cầu Thuận Phước, nước tràn lên mặt đường, sóng đánh hư hỏng vỉa hè và đoạn 48m lan can; ở các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, sóng cao tấp cát, rác, gạch đá lên mặt đường...

Trong sáng 15-11, Ban Chỉ huy Phòng Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có Công điện số 17/CĐ-PCTT gửi các sở, ngành, quận, huyện triển khai công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 13. Theo đó, chủ tịch UBND các quận, huyện theo địa bàn quản lý là tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 13 gây ra. Các quận, huyện vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn sau bão để chủ động ứng phó. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Thành đoàn, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai phương án dọn dẹp rác, xử lý vệ sinh môi trường sau bão.

Trong ngày 15-11, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đã huy động phương tiện, nhân lực ra quân dọn vệ sinh môi trường sau ảnh hưởng của bão số 13. Các đơn vị quyết tâm hoàn thành vệ sinh, thu dọn toàn bộ cát, rác bị sóng tấp trên bề mặt tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành và Như Nguyệt trong ngày 15-11.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Trần Văn Tiên cho hay: “Công ty đã huy động toàn bộ phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển hoàn thành 1.500 tấn rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố và khoảng 500 tấn rác do cành cây gãy đổ cùng các loại rác phát sinh do bão trên 47 tuyến đường chính”.

HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG - THU HÀ

Di dời 324.780 người đến nơi tránh trú an toàn

Theo báo cáo nhanh về công tác phòng, chống thiên tai của Văn phòng Ủy ban Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7 giờ ngày 15-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ/324.780 người đến nơi an toàn. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh di dời 3.616 hộ/12.486 người; tỉnh Quảng Bình di dời 14.259 hộ/ 47.372 người; tỉnh Quảng Trị di dời 13.470 hộ/39.725 người; tỉnh Thừa Thiên Huế di dời 22.348 hộ/73.940 người; thành phố Đà Nẵng di dời 16.135 hộ/78.544 người; tỉnh Quảng Nam di dời 23.687 hộ/71.840 người và tỉnh Quảng Ngãi di dời 280 hộ/873 người. (NAM PHƯƠNG)

Nhiều người bị thương, nhiều nhà tốc mái

Theo báo cáo thống kê ban đầu tại tỉnh Quảng Bình, bão số 13 đã làm 231 nhà dân bị tốc mái, 8 người bị thương, 3 tàu cá bị chìm, thủng mạn tàu... Tại tỉnh Quảng Trị, có 5 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa và hơn 450 căn nhà bị tốc mái, 1 trường học bị sập. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế  có 2 người bị thương, hơn 1.200 nhà bị tốc mái, 3 nhà bị sập; 15 tàu, thuyền của ngư dân bị chìm, mắc cạn; nhiều trường học bị tốc mái, hàng rào bị sập, đồ chơi bị hư hỏng.
Tại thành phố Đà Nẵng, qua thống kê của các địa phương đã có 1 người tại quận Sơn Trà bị gãy chân trong quá trình chằng chống nhà cửa; có 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 5 nhà dân và quán tạm bị sập mái tôn, 2 nhà tạm bị sập mái hiên, 11 nhà và 2 trạm kiểm soát biên phòng bị tốc mái một phần, 1 nhà bếp bị tốc mái; 2 ghe, tàu bị chìm và 10 tàu cá bị bão đánh dạt lên bờ; 1 nhà màng sản xuất rau (tại xã Hòa Ninh) bị tốc mái hoàn toàn, hư hại 3ha rau màu vừa xuống giống; 139 cây xanh bị gãy cành nhánh, nghiêng, ngã đổ... (HOÀNG HIỆP)

Ngành điện khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố do bão số 13

Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), do ảnh hưởng của bão số 13 có 411.252 khách hàng ở 217 xã/phường của 6 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung bị ngừng cung cấp điện, chiếm 9,4% khách hàng toàn EVNCPC. Cụ thể, Đà Nẵng có 15.689 khách hàng ở 6 xã/phường mất điện; tỉnh Quảng Bình có 10.269 khách hàng ở 10 phường/xã mất điện; Quảng Trị có 128.723 khách hàng ở 63 xã/phường mất điện; Thừa Thiên Huế có 191.164 khách hàng ở 92 xã/phường mất điện; Quảng Nam có 62.525 khách hàng ở 43 xã/phường mất điện; Quảng Ngãi có 2.882 khách hàng ở 3 xã/phường mất điện. Ngày 15-11, EVNCPC cho biết, ngay sau khi cơn bão số 13 đi qua, các đơn vị điện lực đã tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố để sớm cung cấp điện cho khách hàng. (KHÁNH HÒA)

 

;
;
.
.
.
.
.