KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM; NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18-11)

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội

.

Năm 2014, Mặt trận thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án “Cầu đi bộ qua sông Hàn” theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ sau hội nghị đó đến nay, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận các cấp luôn được chính quyền thành phố tôn trọng và lắng nghe tiếp thu, góp phần đưa hoạt động phản biện ngày càng chuyển biến tích cực, đến gần với đời sống người dân thành phố.

Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý được khởi công nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2020).  Ảnh: THÀNH LÂN
Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý được khởi công nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2020). Ảnh: THÀNH LÂN

Đó là hội nghị phản biện “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý” tổ chức trong năm 2018. 7 kiến nghị của Mặt trận ghi nhận từ hội nghị phản biện này đã được UBND thành phố cũng như Sở Giao thông vận tải trả lời, tiếp thu và hoàn thiện phương án thiết kế trước khi triển khai.

Năm 2019, Mặt trận thành phố đã tổ chức thành công 5 hội nghị phản biện xã hội tạo tiếng vang lớn trong hệ thống và dư luận nhân dân đồng tình: Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex và Dự án Olalani Riverside Tower; Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố; Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía đông quận Sơn Trà; Hội nghị góp ý dự thảo 2 Nghị quyết của HĐND thành phố; Hội nghị phản biện báo cáo đề án thu phí phương tiện cơ giới lưu thông vào trung tâm thành phố.

Các hội nghị phản biện đã mời được các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Việt Nam cũng như của thành phố, đến các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội, môi trường và đại diện các tầng lớp nhân dân để nhằm có nhiều ý kiến phản biện chuyên môn, khách quan, khoa học một cách đầy đủ nhất. Qua phản biện đã tổng hợp, kiến nghị 29 ý kiến đến lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố. Theo đó, UBND thành phố đã tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, đề xuất để điều chỉnh lại thiết kế, quy hoạch của các dự án và tạm dừng thực hiện đối với việc thu phí phương tiện cơ giới lưu thông đường bộ vào trung tâm thành phố.

Mặt trận các quận, huyện có các hội nghị phản biện xã hội, tiêu biểu như: Mặt trận quận Hải Châu phản biện Đề án ‘‘Quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn quận Hải Châu đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và phản biện về thiết kế xây dựng Trung tâm hành chính quận Hải Châu; Mặt trận quận Thanh Khê tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo “Đề án Phát triển Công viên 29-3” của UBND quận Thanh Khê; Mặt trận huyện Hòa Vang tổ chức phản biện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Hòa Vang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Mặt trận quận Cẩm Lệ tổ chức phản biện xã hội đối với Dự án “Phố ẩm thực Thăng Long - Cẩm Lệ”; Mặt trận quận Liên Chiểu phản biện xã hội Đề án bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch; Mặt trận quận Ngũ Hành Sơn phản biện về Dự thảo Đề án mở rộng không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ở cấp phường, xã, Mặt trận cũng có các hoạt động phản biện xã hội. Ở quận Hải Châu, tiêu biểu như Mặt trận phường Hải Châu 1 tổ chức phản biện “Tiêu chí đánh giá các danh hiệu thi đua tại Khu dân cư năm 2017”; Mặt trận phường Hòa Thuận Tây phản biện dự thảo “Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây”; Mặt trận phường Hòa Cường Nam phản biện “Về công tác sử dụng camera an ninh trên địa bàn phường’’; Mặt trận phường Hòa Cường Bắc và Thạch Thang phản biện Đề án thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; Mặt trận phường Hòa Cường Bắc phản biện Đề án “sắp xếp sáp nhập chi bộ, tổ chức đoàn thể khu dân cư”. Ở quận Sơn Trà, Mặt trận phường Thọ Quang phản biện đối với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Cửa hàng xăng dầu số 20 Yết Kiêu và đồ án Quy hoạch chi tiết TL 1/500 Trạm trung chuyển rác thải tuyến đường Phạm Văn Xảo.

Các nội dung góp ý, phản biện của Mặt trận các cấp đều được cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp đánh giá cao và tiếp thu điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo bảo đảm phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh những kết quả ban đầu, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong những năm trước vẫn là nhiệm vụ khá mới đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên nên phải từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi.

Tuy nhiên, những năm gần đây nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực, Mặt trận các cấp thành phố đã phát huy vai trò là nòng cốt thông qua các tổ chức thành viên tranh thủ ý kiến của cộng đồng, của nhân dân, chủ động góp ý với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, góp phần cùng với chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý Nhà nước ngày càng tốt hơn trong quá trình phát triển của thành phố.

Có thể khẳng định rằng, giám sát và phản biện xã hội vừa là chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội vừa là nhu cầu phát huy quyền làm chủ của người dân. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Giám sát phản biện xã hội và để có đủ hành lang pháp lý cho Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có cơ sở thực hiện nhiệm vụ này một cách hữu hiệu nhất.

DƯƠNG ĐÌNH LIỄU

;
;
.
.
.
.
.