ĐNO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 12, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) giật cấp 9. Lúc 10 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão số 12 ở khoảng 12,3 độ vĩ bắc, 109,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 12 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia) |
Bão số 12 đang di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 10-15km/giờ, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 10-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,3 độ vĩ bắc, 108,1 độ kinh đông, trên khu vực Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh, sóng biển cao 3-5m. Trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.
Mưa to gây ngập đường Tô Tấn Trung (quận Sơn Trà) trong sáng 10-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có mưa to, mưa rất to. Dự báo, từ ngày 10 đến 12-11, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa đo được từ nay đến ngày 12-11 tại tỉnh Quảng Bình phổ biến từ 80-150mm; Quảng Trị từ 150-300mm, có nơi trên 300mm; các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 500mm.
Hiện nay, mực nước trên hầu hết các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang ở dưới mức báo động (BĐ)1, riêng Sông Bồ, Sông Hương trên mức BĐ1. Từ nay đến ngày 12-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông thuộc Quảng Bình và Đà Nẵng ở mức BĐ1-BĐ2 có sông trên BĐ2, (sông Cẩm Lệ ở mức BĐ1- BĐ2); các sông thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam ở mức BĐ2- BĐ3, có sông trên BĐ3 (đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức BĐ2- BĐ3)...
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt, ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Trong đó, tại thành phố Đà Nẵng, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà; nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, ngập úng vùng trũng thấp và khu đô thị, đặc biệt là huyện Hòa Vang và các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
HOÀNG HIỆP