Cùng nhau sống khỏe

.

“Qua 3 lần thành phố chống dịch, tôi quan tâm đến sức khỏe mình hơn. Chợt nhận ra thời gian giãn cách xã hội là một dịp để chúng ta “hồi sức”, chăm sóc bản thân. Trong đó, hoạt động thể dục, thể thao giúp bản thân sống tích cực, giải tỏa stress”.

Anh Lương Văn Dự, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tập luyện tại nhà trong mùa dịch. 	  		                              				        Ảnh: NVCC
Anh Lương Văn Dự, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tập luyện tại nhà trong mùa dịch. Ảnh: NVCC

Đó là chia sẻ của chị Hoàng Thị Nhã Phương, làm việc tại Công ty đồng phục Nam Á. Tạm gác thói quen đến phòng tập gym như thời điểm trước dịch, chị chọn rèn luyện sức khỏe bằng việc đi bộ, chạy bộ mỗi sáng sớm. Lịch trình của chị là đi bộ từ nhà ra bờ sông Hàn vào 5 giờ sáng. Trong quá trình đi bộ, chị luôn bảo đảm khoảng cách với mọi người và mang khẩu trang đúng quy định.

1. Cuối tuần, chị Phương “đổi gió” bằng cách dạo bộ quanh khu vực bán đảo Sơn Trà với mục tiêu 10km mỗi chặng. Chị kể: “Vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp của thành phố lúc bình minh là một trải nghiệm tuyệt vời, cứ thế đi mãi rồi thành... “nghiện” lúc nào không hay. Bữa nào dậy muộn, tôi tập thể dục trên sân thượng khoảng 15 phút để không uể oải”.

Sau giờ làm việc, anh Nguyễn Trung Châu (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lại dành thời gian cùng chiếc xe đạp thể thao mà anh gọi là “người bạn đồng hành” trên nhiều cung đường thành phố. Đang công tác tại Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, anh Châu chọn đạp xe như một sở thích, vì môn này vừa rèn luyện sức khỏe, vừa nuôi dưỡng tinh thần và giúp anh có cơ hội ngắm cảnh đẹp. Khi Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, sở thích đạp xe của anh càng có “đất dụng võ”. Anh cho biết, khoảng thời gian dài khi thành phố giãn cách xã hội hay hạn chế các hoạt động để phòng chống dịch dễ làm con người bức bối, stress... và anh cũng không phải ngoại lệ. “Những dịp này, tôi có thể đạp xe một mình, chấp hành nghiêm việc mang khẩu trang, đi qua những nơi vắng vẻ để ngắm cảnh, chụp ảnh và thư giãn đầu óc. Chính điều này giúp tôi duy trì sức khỏe, tăng sức đề kháng cơ thể và giữ vững tinh thần để cùng người thân chiến thắng Covid-19”, anh Châu chia sẻ.

2. Mới đây, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phát động trào lưu DUE Challenge Yourself - Thử thách bản thân nhằm lan tỏa tinh thần sống khỏe trong mùa dịch đến sinh viên và cán bộ, giảng viên trong trường. Người tham gia sẽ tập theo bài tập mà ban tổ chức đề ra, rồi quay video ngắn lưu lại hành trình tập luyện và đăng công khai lên mạng xã hội facebook mỗi ngày kèm hashtag theo quy định.

Sinh viên Đỗ Thảo Phương (khoa Kinh doanh quốc tế) tham gia từ một lý do “em bị bạn bè đánh giá là tiều tụy nên phải cải thiện sức khỏe”. Thời gian đầu, Phương đau mỏi người, có lúc nản chí nhưng dần dần việc tập luyện thành thói quen. Về sau, Phương có sự đồng hành của bạn bè, cùng nhau tập và giúp nhau quay video. Theo Phương, đó là một cách để gắn kết nhau hơn trong mùa dịch. “Việc tập luyện theo thử thách này giúp tôi thấy sức khỏe được cải thiện rõ, rèn được thói quen sinh hoạt, ăn ngủ điều độ. Ngay cả chứng đau dạ dày cũng giảm hẳn, tinh thần thoải mái hơn nhiều”, Phương cho biết.

Trong thời gian này, Lương Văn Dự, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chọn tự tập tại nhà và chạy bộ buổi sáng. Nhiều năm theo đuổi bộ môn thể hình, Dự ý thức được việc giữ gìn sức khỏe. Từ trang cá nhân của mình trên mạng xã hội, Dự thường xuyên kêu gọi bạn bè tập luyện bằng cách quay video, tạo một số trào lưu để mọi người hưởng ứng và tập luyện theo. Đồng thời không quên nhắc mọi người mang khẩu trang khi ra ngoài, ăn uống điều độ để giữ sức khỏe. “Việc tập luyện tại nhà có sự thú vị riêng, tôi có không gian riêng tư, có thể mở bản nhạc yêu thích, được tự nấu những món có lợi cho sức khỏe. Tập thể dục kết hợp chế độ ăn uống khỏe mạnh, đủ chất dinh dưỡng thì sức đề kháng tăng và có khả năng chống chịu bệnh tật tốt hơn. Đó là điều tôi muốn hướng đến mọi người”, Dự chia sẻ.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích