Giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường

.

Sau nhiều nỗ lực, các đơn vị, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã tính toán được số liệu ban đầu liên quan đến phát thải các loại rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở triển khai các giải pháp phù hợp để giảm ô nhiễm trong thời gian đến.

Hiện nay, khoảng 85% khối lượng rác thải nhựa phát sinh hằng ngày được thu gom, vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn. Trong ảnh: Khu vực bãi rác Khánh Sơn phủ đầy túi nilon và các loại rác thải nhựa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện nay, khoảng 85% khối lượng rác thải nhựa phát sinh hằng ngày được thu gom, vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn. TRONG ẢNH: Khu vực bãi rác Khánh Sơn phủ đầy túi nilon và các loại rác thải nhựa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Mỗi năm thải ra 80.000 tấn rác thải nhựa

Những năm gần đây, khái niệm ô nhiễm trắng không còn xa lạ. Đây là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi tên loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Qua các kết quả thống kê, túi nilon là thành phẩm chính, đối tượng trực tiếp của ô nhiễm rác thải nhựa, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo TS. Phạm Ngọc Bảo (Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) tại Nhật Bản), qua kết quả phân tích thành phần và chạy mô hình (phần mềm) tiên tiến đã tính ra kết quả là túi nilon chiếm 48,4% trong thành phần rác thải nhựa xả ra môi trường; 18% là màng chất dẻo; 7,6% là muỗng nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa... từ dịch vụ ăn uống dùng một lần; 4% là xốp nhựa; 7,8% là các loại chai nhựa, chai đựng đồ uống... Do các loại màng chất dẻo có đặc tính gần giống túi nilon nên có thể xem nilon là mục tiêu, đối tượng chính trong giải pháp cần phải giảm thiểu, chống ô nhiễm.

TS. Phạm Phú Song Toàn (giảng viên ngành Công nghệ môi trường của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) thông tin, qua kết quả nghiên cứu, mỗi năm, tại thành phố Đà Nẵng thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa, tương đương với khối lượng rác thải nhựa do một người dân thải ra 0,19kg/ngày. Các hộ gia đình ở căn hộ riêng, chung cư xả thải túi nilon đến 11.198 tấn/năm, màng chất dẻo các loại 4.587 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 800 tấn/năm, xốp nhựa là khoảng 700 tấn/năm. Rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 500 tấn/năm.

Trong khi đó, hoạt động từ các văn phòng, hoạt động vận chuyển, kho bãi, dịch vụ ăn uống, lưu trú, bán lẻ, bán buôn và các dịch vụ khác phát thải khối lượng túi nilon đến 20.019 tấn/năm, màng chất dẻo các loại khoảng 7.525 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 2.000 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 1.800 tấn/năm và rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn, uống khoảng 4.500 tấn/năm...

Mặc dù thành phố nỗ lực thu gom chất thải rác sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa, nhưng khối lượng chất thải nhựa xả bừa bãi ra môi trường khoảng 3.218 tấn/năm, tương đương 8g/người/ngày (khoảng 2 túi nilon hoặc 1 chai nhựa nhỏ)... Hiện có 85% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh được chuyển đến bãi rác Khánh Sơn, chỉ có 6,2% khối lượng nhựa được phân loại để tái chế, 8% chất thải nhựa không được kiểm soát trong môi trường, có khả năng sẽ gây ra thiệt hại cho môi trường và hệ sinh thái.

Dự đoán, mỗi năm có đến 5.692 tấn rác thải nhựa, tương đương 7,2% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh được giữ lại trên đất liền hoặc trong các cống, rãnh, dễ dẫn đến tắc nghẽn cống thoát nước. Theo thời gian, nếu không có các hoạt động vệ sinh, khối lượng rác thải nhựa này sẽ phân hủy và phân rã thành vô số vi nhựa với nhiều loại, gây ô nhiễm môi trường xung quanh...

Triển khai nhiều mô hình chống ô nhiễm trắng

Trước thực trạng trên, TS. Phạm Phú Song Toàn khuyến nghị: “Ô nhiễm do túi nilon là thực trạng đáng lo ngại ở Đà Nẵng, do đó, thành phố cần có các biện pháp hiệu quả để xử lý các sản phẩm túi nilon và làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt là có biện pháp để kéo giảm tình trạng xả rác bừa bãi, giảm nạn đổ rác trái quy định; đồng thời tăng cường tái chế nhựa, cải thiện quản lý chất thải rắn tổng hợp và thúc đẩy các hoạt động 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực phi chính thức...”.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê Lê Trung Minh Tân cho rằng, qua kiểm toán, khối lượng chất thải nhựa phát sinh trung bình tại các hộ gia đình trên địa bàn quận là 43,2g/người/ngày. Khối lượng chất thải nhựa thất thoát trên địa bàn quận là 380kg/ngày (chiếm tỷ lệ 2,1%)... Thời gian qua, quận cũng đã triển khai mô hình túi nilon thân thiện môi trường tại 10 chợ với khối lượng hơn 27,8 tấn.

Bên cạnh đó, từ sự tài trợ, hỗ trợ của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), quận Thanh Khê đang thực hiện kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2025 với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa; giám sát, xử phạt người xả rác không đúng quy định; 100% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, đơn vị... phân loại rác tại nguồn.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thời gian qua, các cấp hội đã thực hiện mô hình “dùng cặp lồng đi mua thức ăn”, “phát giỏ hoặc túi sinh thái để đi chợ” nhằm thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần với số lượng hơn 800 cặp lồng, hơn 3.000 giỏ hoặc túi sinh thái... và vận động 20 nhóm bếp ăn tình thương không sử dụng hộp xốp khi phát thức ăn. Bên cạnh đó, vận động hơn 200 hộ gia đình phụ nữ trồng gần 4.000 cây chuối để cung cấp lá cho tiểu thương bán rau tại các chợ; hỗ trợ 1.300 gốc cây chuối cho các hộ để nhân rộng mô hình...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà thông tin, hiện nay, sở chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các dự án hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực, kinh nghiệm và kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý rác thải nhựa.

Với nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức như: Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN),  Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), thành phố Yokohama (Nhật Bản)..., thành phố sẽ triển khai hiệu quả nhiều dự án về phân loại chất thải rắn tại nguồn và chống rác thải nhựa, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trắng, ô nhiễm chất thải nhựa...

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch về tuyên truyền công tác phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, hỗ trợ người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần và chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm gần gũi, thân thiện môi trường; đồng thời, đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa hướng đến nền kinh tế tuần toàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích