Giải bài toán việc làm ổn định cho người dân

.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ việc làm tăng thêm hằng năm đạt 4,5 - 5% và tỷ lệ lao động tham gia làm việc trong nền kinh tế qua đào tạo đạt 65%. Đây là mục tiêu cao so với mức trung bình của cả nước, tuy nhiên ngành LĐ-TB&XH thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu này.

Ngày 1-7-2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực. Ngày 3-9-2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP với quyết định chuyển các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào hệ thống GDNN, giao Sở LĐ-TB&XH ở các địa phương quản lý trực tiếp. Nhờ những quyết định này mà số lượng các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tăng đáng kể. Chất lượng đội ngũ giảng viên lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ dạy và học cũng được cải thiện.

Tính đến cuối năm 2020, thành phố có 75 cơ sở GDNN, trong số này 9 trường cao đẳng nghề (có 2 trường được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt là trường nghề trọng điểm, 3 trường cao đẳng nghề được kiểm định đạt chất lượng giáo dục nghề nghiệp), 15 trường trung cấp, còn lại là các trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác. Đặc biệt, có đến 91,68% giáo viên nghề đạt chuẩn sư phạm, 91,49% giáo viên đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ, 92,69% giáo viên đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ.

Nhờ vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn lao động qua đào tạo của thành phố khá dồi dào với mức tăng trung bình hằng năm 4-4,2% (trung bình cả nước 3,2-3,5%). Trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 15.000 sinh viên cao đẳng, 2.000 học sinh trung cấp tốt nghiệp ra trường.

Ngoài ra, mỗi năm thành phố cũng có từ 20.000-25.000 lao động từ các địa phương khác đến thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố cho thấy, năm 2013 thành phố có 39% lao động qua đào tạo; đến năm 2017, con số này tăng lên 49,15% và đến năm 2020 là trên 53%. Tỷ lệ thất nghiệp từ mức 5,06% năm 2006 cũng hạ xuống còn 3,4% vào cuối năm 2019.

Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn thị trường lao động thành phố từ khâu đào tạo cho đến tuyển dụng lao động. Đến nay, thành phố có hàng vạn doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Hệ lụy kéo theo là hàng trăm ngàn lao động mất việc hoặc tạm nghỉ việc.

Đặc biệt, việc làm trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, vốn là thế mạnh của thị trường lao động thành phố rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Đây là yếu tố khách quan tác động mạnh đến mục tiêu của ngành LĐ-TB&XH thành phố đề ra trong giai đoạn 2020-2025 phải bảo đảm tăng tỷ lệ việc làm 4,5-5%/năm và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%.

Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, để tháo gỡ khó khăn này, thời gian đến, toàn ngành theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để tham mưu chính xác cho lãnh đạo thành phố có chỉ đạo kịp thời và phù hợp, từ đó giúp thị trường lao động phát triển bền vững. Về lâu dài, ngành tập trung làm tốt công tác thông tin thị trường lao động, trong đó chú ý đến việc thu nhập hệ thống dữ liệu cung - cầu thị trường đầy đủ và chính xác, không chỉ thông tin của thị trường lao động thành phố mà cả thông tin từ các tỉnh lân cận và khu vực.

Song song đó là thu thập thông tin về nhu cầu lao động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức đại diện cho người lao động. Trên cơ sở đó làm tốt công tác xử lý, phân tích, tổng hợp, truyền tải và cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng cho thị trường lao động. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp và các cơ sở GDNN chủ động chuẩn bị kế hoạch cho mình. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) sẽ thành lập bộ phận dự báo ngắn hạn và trung hạn về thị trường lao động để cung cấp cho thị trường lao động.

Lĩnh vực đào tạo về cơ bản bảo đảm số lượng và năng lực đào tạo. Vì vậy, trong thời gian đến, ngành tập trung cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển nhóm ngành nghề trọng điểm quốc gia được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, nhóm nghề cấp độ khu vực ASEAN mà Việt Nam tham gia ký kết, từng bước nâng cao một số nghề theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích các cơ sở GDNN đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp với trường để người lao động sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

Theo ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, để thị trường lao động của thành phố phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, công tác nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề mấu chốt. Tuy nhiên, để có được điều này cần cả quá trình, trong đó ngoài sự nỗ lực của chính các cơ sở GDNN, rất cần sự hỗ trợ của thành phố và các bộ, ngành Trung ương.

Đặc biệt là công tác định hướng thị trường lao động chính xác, kịp thời để các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Đây là điều rất cần thiết để tránh tình trạng học viên chạy theo nhóm ngành nghề đang “nóng” trên thị trường nhưng đến khi ra trường thì thị trường lao động đã bão hòa, gây lãng phí cho xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cho rằng, công tác hướng nghiệp không nên gói gọn với học sinh cuối cấp 2 và 3, mà cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân nói chung và người trong độ tuổi lao động nói riêng. Điều này giúp người lao động có quyết định đúng đắn trong việc chọn học nghề phù hợp với khả năng, cũng như cơ hội xin việc sau khi học nghề.

Tránh tình trạng một bộ phận người lao động thành phố có tâm lý chạy theo nghề có thu nhập mỗi ngày hoặc mỗi tuần, ít quan tâm đến nghề ổn định tại các doanh nghiệp. Giải quyết tốt các tồn tại này thì các mục tiêu về việc làm và tỷ lệ lao động qua đào tạo ở thành phố theo nghị quyết là hoàn toàn trong tầm tay.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.