Khi phóng viên đồng hành dự báo lũ

.

Với vai trò của báo chí là định hướng và giải pháp, thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã thực hiện nhiều thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến thời tiết, nhất là các cơn bão mạnh đổ bộ vào thành phố. Cùng với đó, việc dự báo thời gian lũ về ngay sau bão không chỉ chuyển tải thông tin cảnh báo, mà giúp bạn đọc, nhân dân và các đơn vị liên quan có hành động, ứng phó tức thời, hiệu quả.

Việc lựa chọn mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch để đánh dấu các mốc lũ là một hướng tiếp cận mới để dự báo lũ cho thành phố  Đà Nẵng chính xác hơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc lựa chọn mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch để đánh dấu các mốc lũ là một hướng tiếp cận mới để dự báo lũ cho thành phố Đà Nẵng chính xác hơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trăn trở về ứng phó khi lũ lên nhanh
Qua theo dõi các trận lũ từ năm 2017 đến những trận lũ đầu tiên trong năm 2020, không ít người dân ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Châu (huyện Hòa Vang) còn lúng túng trong ứng phó với lũ... bởi thời gian lũ về không còn tuân theo quy luật dâng lên từ từ như trước đây mà về rất nhanh. Điều này làm phóng viên trăn trở và thôi thúc đánh dấu các mốc lũ ở các khu dân cư, tuyến đường ở khu vực ngập lũ, nhất là tại xã Hòa Tiến nhằm có thông tin cảnh báo thời điểm lũ về một cách chính xác hơn để người dân còn kịp đi chợ mua thức ăn dự trữ, thu xếp công việc, đưa đón con.

Ngay trận lũ đầu tiên mới xảy ra, từ sáng 8-10-2020, phóng viên đã để ý đến mực nước lũ tại thượng lưu đập dâng An Trạch ở mức 5,6m gây ngập sâu nhiều tuyến đường ở các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương. Đặc biệt, với mực nước lũ từ 5,8-5,9m được duy trì trong 2-3 giờ, lũ tràn qua, gây ngập sâu tuyến đường ADB5 (tuyến đường Hòa Tiến - Hòa Phong) khoảng 10cm. Đây được xem là mốc lũ đầu tiên mà phóng viên đánh dấu để phục vụ việc thực hiện các tin cảnh báo lũ, bởi lũ vượt qua tuyến đường ADB5 là lũ lớn. Với mốc lũ như vậy, ở trận lũ thứ 2 xảy ra hai ngày sau đó (ngày 10-10-2020), Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc thông tin: “Có 7/12 thôn của xã Hòa Tiến bị ngập lũ một phần”.

Tuy nhiên, với mốc lũ nói trên, không ít nhà dân đã bị ngập lũ, người dân đã khó đi ra khỏi nhà, do đó, cần thiết phải đánh dấu các mốc lũ thấp hơn để người dân còn có thời gian và sự chủ động ứng phó. Sau nhiều lần trực tiếp ghi nhận tại hiện trường các trận lũ và gặp gỡ, trao đổi thông tin với người dân ở các khu vực bị ngập lũ sâu cũng như lãnh đạo các xã, vào chiều 16-10-2020, phóng viên đánh dấu mốc lũ thấp 4,7m tại thượng lưu đập dâng An Trạch.

Khi lũ trên sông Yên dâng cao hơn mốc lũ nói trên khoảng 2-3 giờ là tràn, chảy xiết qua tuyến đường và cầu tràn Bến Giang (xã Hòa Tiến), lân cận với một khu dân cư đông đúc và có 1 điểm trường tiểu học. Phóng viên đã hướng dẫn giáo viên ở điểm trường này căn cứ vào mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch được cập nhật trực tuyến thông qua điện thoại di động để tính toán tốc độ lũ dâng lên so với mốc lũ thấp 4,7m. Từ đó, quyết định việc cho học sinh nghỉ học trước khi lũ tràn lên tuyến đường cầu tràn Bến Giang từ 3-5 giờ nhằm bảo đảm an toàn cho phụ huynh, học sinh vì đến khi lũ dâng lên mức 5m thì tại đây đã ngập sâu từ 20-30cm và nước chảy xiết.

Tính tốc độ lũ ra thời gian lũ ngập tràn

Phóng viên cũng đã căn cứ vào mốc lũ thấp 4,7m tại thượng lưu đập dâng An Trạch và cập nhật thêm số liệu quan trắc lượng mưa, thủy văn trên sông Vu Gia ở Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), Hội Khách và Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) cũng như tình hình vận hành các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 để thực hiện các tin bài cảnh báo lũ. Trong mùa mưa bão năm 2002, Báo Đà Nẵng Online đã đăng nhiều tin cảnh báo lũ kịp thời và chuẩn xác như: “Đến 5 giờ sáng, lũ trên sông Yên tại đập dâng An Trạch vẫn đang dâng chậm lên mức 5,85m, tốc độ dâng lên là 1cm/giờ.

Với mực nước này, lũ sẽ tràn qua mặt đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Phong trong sáng 12-11” (Báo Đà Nẵng Online, sáng 12-11-2020); “Đến 7 giờ sáng, lũ trên sông Yên tại đập dâng An Trạch đã ở mức 4,5m và tốc độ đang dâng lên từ 4-7cm. Với tốc độ lũ đang dâng lên như vậy kết hợp với mức xả lũ của hồ thủy điện Đăk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia đang gia tăng, dự kiến đến trưa 1-12, lũ sẽ bắt đầu dâng lên gây ngập một số khu vực trũng thấp ở xã Hòa Tiến” (Báo Đà Nẵng Online, sáng 1-12-2020)...

Việc phóng viên Báo Đà Nẵng tiến hành đánh dấu một số mốc lũ mới, đặc biệt là căn cứ vào mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch để dự báo lũ được một số chuyên gia, nhà khoa học khích lệ. Tiến sĩ Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đánh giá: “Việc chọn mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch để dự báo lũ cho thành phố Đà Nẵng là đúng”.

Đặc biệt, sáng kiến đánh dấu các mốc lũ nói trên cùng những nỗ lực của phóng viên trong công tác tuyên truyền đã được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Kết quả đánh dấu các mốc lũ trong mùa mưa bão năm 2020 là cơ sở để phóng viên thực hiện những tin, bài về lũ kịp thời, chuẩn xác giúp bạn đọc, người dân và các đơn vị liên quan ứng phó kịp thời. Đồng thời, mở rộng việc đánh dấu các mốc lũ ở các khu vực ngập lũ và tuyến sông khác để làm căn cứ tính tốc độ lũ cũng như cảnh báo kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.