Cuộc sống thường ngày luôn sôi động, nhiều cái mới, cả những việc tốt và không tốt. Việc theo dõi, nắm bắt, kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sai trái, bảo đảm đời sống xã hội bình an là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan công quyền. Mặt khác, cộng đồng xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc tham gia phản ánh cái tốt, phê phán cái xấu theo hướng tích cực, góp phần đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng để bôi nhọ, công kích chế độ.
Vụ việc dư luận quan tâm gần đây là những buổi livestream của một cá nhân trên mạng xã hội đã thu hút một lượng lớn người theo dõi, có lúc lên đến vài trăm nghìn người, hàng chục nghìn lượt chia sẻ - con số kỷ lục về lượng người xem. Từ vụ việc này chúng ta nhận thấy: Một là, trong các buổi livestream này, dù đã chỉ ra những mập mờ liên quan đến hoạt động của một số cá nhân, nhưng cũng đã hé lộ một số vấn đề, khi có nhiều phát ngôn đi quá giới hạn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức của dân tộc và quy định của pháp luật.
Hai là, ngay khi trên sóng các buổi livestream, nơi mà hàng trăm nghìn người đang theo dõi lại xuất hiện các bình luận xấu, độc. Ba là, chủ các trang cá nhân hoặc các fanpage trên mạng xã hội hay một ai đó tự mở cửa để “sân nhà” của mình trên các trang mạng xã hội trở thành nơi cho các đối tượng chống phá nhảy vào tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chế độ là điều không thể phủi bỏ trách nhiệm.
Nhiều phần tử thù địch, chống phá, hay cả những người vô tình, thiếu sự kiểm chứng thông tin, thiếu sự hiểu biết… đã cập nhật, tán phát những thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật nhằm tấn công vào bộ máy công quyền, gây nên sự phẫn nộ của cộng đồng cư dân vốn có tinh thần trách nhiệm cao với quê hương, đất nước.
Một ví dụ gần đây nhất khi thành phố xuất hiện các ca dương tính Covid-19 tại hai phường Thạc Gián và Chính Gián thuộc quận Thanh Khê, do người đi từ vùng dịch mang bệnh về. Trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố ngày 19-6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã nhấn mạnh: “Việc xuất hiện những ca nhiễm mới trong hai ngày vừa qua đã phủ nhận hết mọi nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương trong nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh hơn một tháng qua, bắt buộc chúng ta phải làm lại từ đầu với tốc độ nhanh hơn, tinh thần quyết liệt hơn. Qua đây cũng thấy, ngoài yếu tố khách quan, cũng thẳng thắn thừa nhận có sự lơ là, thiếu trách nhiệm để dẫn đến những hậu quả này”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những hạn chế để tập trung phòng, chống dịch nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế thành phố. Điều đó thể hiện rõ tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố.
Thế nhưng, lợi dụng sự việc này, một số người đưa ra thông tin chắp vá, sai sự thật rồi quy kết trách nhiệm một cách vội vàng trên các trang mạng xã hội, làm cho dư luận hiểu sai về bản chất sự việc cũng như sự quyết tâm và tinh thần phòng, chống Covid-19 của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng từ đầu năm 2020 đến nay. Mặt khác, tạo cơ hội cho những người có tâm địa xấu nhảy vào bình luận, phê phán với chủ đích gây nhiễu loạn thông tin, không mang tính xây dựng.
Có thể thấy, khi livestream hay việc chuyển tải thông tin trên các trang mạng xã hội, các cá nhân không những phải chịu trách nhiệm về lời nói hay thông tin của mình đưa ra, mà còn phải chịu trách nhiệm về những người cùng tương tác. Đây là điều Luật An ninh mạng và các văn bản của Nhà nước đã quy định.
Cũng từ những vụ việc nói trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành các bước đi đáng quan tâm như: Căn cứ vào Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có ngay văn bản gửi các địa phương phải điều tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời và triệt để hàng trăm vụ việc được dư luận quan tâm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn mọi người phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, không sử dụng livestream, hay chuyển tải các thông tin sai sự thật khác trên các trang mạng xã hội… để công kích chính quyền, nói xấu lẫn nhau làm tổn hại đến thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc; hay biến các vụ việc đó thành diễn đàn để kẻ xấu và các thế lực thù địch bình luận nhằm chống phá Nhà nước, gây chia rẽ xã hội.
Mặt khác, do xuất hiện những bất cập trong công tác hoạt động từ thiện xã hội như: việc kêu gọi đóng góp của cộng đồng, quản lý các nguồn thu, chi, sử dụng nguồn thu từ thiện..., các cơ quan có trách nhiệm đang tiến hành xây dựng các văn bản quy định cụ thể về lĩnh vực này, với mục tiêu nhằm bảo đảm huy động sức người, sức của trong và ngoài nước một cách rộng rãi, kịp thời, hiệu quả, minh bạch, công bằng nhất để góp phần giúp đỡ người dân ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh hay những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời ngăn chặn những hành vi sai trái, lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi cá nhân hay thực hiện những mưu toan gây tổn hại cho đất nước.
Truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam là sống “có nhân, có nghĩa” và “có tình, có lý”; luôn đoàn kết, thương yêu nhau; đồng thời phê phán cái xấu trên tinh thần xây dựng, trong khuôn khổ của đạo lý làm người và những quy định của cộng đồng, của pháp luật. Và cũng không chấp nhận sự miệt thị, xúc phạm lẫn nhau, vượt quá giới hạn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức của dân tộc và quy định của pháp luật.
Do vậy, cần tỉnh táo và giữ sự chuẩn mực khi ứng xử trên không gian mạng, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để chống lại sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là chung tay đẩy lùi Covid-19.
TUYẾT MINH