Chính phủ quyết tâm, người dân đồng lòng phòng, chống Covid-19

.

* Đầu tư công cần có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải

Ngày 25-7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ. Ảnh: TRẦN VINH
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ. Ảnh: TRẦN VINH

5K+vaccine, giải pháp căn cơ và bền vững

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ tiếp tục chăm lo củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt nhịp độ 5,64 %, chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn là tỷ lệ rất cao so với quốc tế và khu vực.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá cao chủ trương của Chính phủ khi quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay và cắt giảm, thu hồi của các bộ, các địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan Trung ương, địa phương có tốc độ giải ngân tốt.

Đồng thời, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa trong việc chống lạm phát trong tương lai, đại biểu ghi nhận động thái của Ngân hàng Nhà nước khi thống nhất, đồng thuận với các ngân hàng thương mại trong việc cố gắng giảm được lãi suất, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Chính phủ ban hành cũng được đánh giá khá tốt khi cắt giảm được các thủ tục hành chính và có khả năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, Chính phủ đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan là rất phù hợp, hiệu quả. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm rất sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, vắc-xin chính là giải pháp quan trọng mấu chốt, là cứu cánh trong thời điểm hiện tại, bảo đảm sự thành công trong công cuộc phòng, chống dịch.  “Cả nước luôn mong chiến lược vắc-xin của Chính phủ sẽ thành công và tin tưởng mục tiêu 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và việc sản xuất vắc-xin trong nước sẽ trở thành hiện thực trong thời gian gần nhất”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị kiên định với 5K+vắc-xin, muốn làm được tốt 5K thì tinh thần đồng tâm, nghiêm túc chấp hành là hết sức quan trọng. Còn chương trình vắc-xin là hết sức cần thiết, tạo miễn dịch cộng đồng chủ động.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. Ảnh: VGP
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. Ảnh: VGP

Quan tâm hỗ trợ tới người dân, doanh nghiệp

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các chính sách xã hội, an sinh xã hội của chúng ta được triển khai tương đối đồng bộ và có hiệu quả. Nhìn chung đời sống nhân dân, an sinh xã hội được bảo đảm. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong điều kiện khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động. Đến nay, theo Báo cáo và giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chúng ta đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng cho các lực lượng trên.

“Chúng ta có những chính sách, thậm chí có những chính sách hỗ trợ không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ, mà căn cứ vào cơ sở dữ liệu chúng ta đã có. Do vậy, qua 15 ngày triển khai, đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao. Đến ngày 24-7, kết quả cụ thể: Nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng. Chúng ta đã kết thúc chính sách thứ nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Riêng Nghị quyết 42, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp, tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua ngân sách Nhà nước và các chính sách, chúng ta đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó, riêng ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 13.000 tỷ đồng.

Quyết định đúng đắn của Quốc hội  

Cho rằng việc Quốc hội đưa nội dung phòng, chống Covid-19 vào Nghị quyết chung kỳ họp là một sáng kiến lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, khi báo cáo của Chính phủ không đưa dự thảo nghị quyết có nội dung về chống dịch, Thường vụ Quốc hội đã trao đổi với Chính phủ. Và Chính phủ rất nhanh, có tờ trình ngay lập tức trình Quốc hội để bổ sung ngay những giải pháp trao cho Chính phủ những quyền năng động hơn, thậm chí có những quyền hạn không có trong luật để Chính phủ có đầy đủ công cụ pháp lý; ra được những giải pháp tích cực để chống dịch hiệu quả hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Việc Quốc hội rút ngắn thời gian và để lại một số nội dung chưa thật cần thiết cho các phiên họp sau hoặc các phiên họp trực tuyến để tập trung lực lượng trong công tác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh là một việc làm đúng đắn, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết.

B.T (Theo TTXVN/Báo Tin tức)

;
;
.
.
.
.
.