Điểm mới trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công

.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 9-12-2020, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 (Pháp lệnh số 2), thay thế hai Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13.

Pháp lệnh số 2 gồm 7 chương, 58 điều, tích hợp đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác người có công với cách mạng. Pháp lệnh này có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, tiêu chuẩn ưu đãi, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, về quản lý Nhà nước, về tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và xử lý vi phạm.

Nhiều nội dung được pháp lệnh hóa như khái niệm tỷ lệ tổn thương cơ thể; khái niệm hành động dũng cảm; công việc cấp bách, nguy hiểm… (các khái niệm này rất đúng trong thời bình); vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác cũng là điểm mới bổ sung trong pháp lệnh này.

Một số điểm cần biết về pháp lệnh, đó là:

Một là: Quy định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn người có công khi xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; bổ sung quy định về việc xem xét xác nhận người có công đối với những trường hợp còn tồn đọng; quy định mở rộng về thời gian xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Hai là: Quản lý Nhà nước về người có công trong giai đoạn mới giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ tại nghị định trên cơ sở pháp lệnh này.

Ba là: Về chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng: theo Pháp lệnh số 2 bổ sung chế độ được cấp giấy chứng nhận người có công và tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:

1. Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần.

2. Các chế độ ưu đãi khác gồm:

+ Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

+ Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;

+ Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

+ Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;

+ Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;

+ Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;

+ Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Bốn là: Pháp lệnh số 2 không tiếp tục công nhận bệnh binh mới, trừ trường hợp công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Năm là: Pháp lệnh đưa ra những nguyên tắc thực hiện chính sách và chế độ ưu đãi, cũng như quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời bổ sung một số quy định về việc không xem xét công nhận người có công cách mạng.

Ngày 24-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công cách mạng và có hiệu lực từ ngày 15-9-2021.

                            Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH thành phố

;
;
.
.
.
.
.