KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cho ý kiến về Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025

.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, sáng 23-7, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: TRẦN VINH
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (trái) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: TRẦN VINH

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng tình đánh giá việc thực hiện chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, một số đại biểu đề nghị phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, bảo đảm mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững.

Quốc hội sẽ quyết nghị về phòng, chống Covid-19
Chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành tại Nhà Quốc hội sáng 23-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất giao các cơ quan triển khai, bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung về phòng, chống Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng Tờ trình, cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra để Quốc hội xem xét, thảo luận và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Chiều 23-7, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì phiên thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội số 9, gồm các đoàn Đà Nẵng, Quảng Ninh, Điện Biên và Khánh Hòa.

Sau khi nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, góp ý; đa số đều cho rằng, mục tiêu, các chương trình trong báo cáo vẫn quá cao so với thực tế, do đó cần phải có những điều chỉnh phù hợp.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, qua nghiên cứu nhận thấy giữa mục tiêu đang hướng tới với mức độ đang đầu tư và khả năng tổ chức thực hiện trên thực tiễn rất khó thực hiện. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn chứng tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu 60% thôn, bản, ấp và các xã đặc biệt khó khăn ở vùng núi, vùng bãi ngang và một số vùng hải đảo đạt chuẩn nông thôn; tiêu chí này thực sự khó khả thi, không phù hợp với thực tiễn vì các khu vực nói trên đều có nhiều điều kiện không thuận lợi để phát triển, đề nghị điều chỉnh mục tiêu xuống còn 40%. Ngoài ra, để thực hiện tốt chương trình, cần phải tập trung nguồn lực cho các địa phương thực sự khó khăn về ngân sách và phải có cơ chế về huy động vốn, cơ chế đất đai mới thực hiện được.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phải thực hiện liên tục và đề xuất giảm các chỉ tiêu trong 2 chương trình sát với thực tế. Ông nêu đơn cử, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố có tối thiểu 2 huyện đạt nông thôn mới, nhưng như Đà Nẵng thực chất chỉ huyện Hòa Vang mới triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới.

PHƯƠNG THANH - TRẦN VINH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích