Thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"

.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo, các đơn vị, cá nhân thể hiện lòng biết ơn đối với người có công cách mạng.

Đoàn viên thanh niên thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Buội ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: M.H
Đoàn viên thanh niên thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Buội ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: M.H

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay, Thành Đoàn Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, đơn cử như mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ”. Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Nguyễn Duy Thành cho biết, mô hình này là hành động tri ân mà tuổi trẻ thành phố dành cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người phụ nữ chịu nhiều mất mát, hy sinh lớn lao trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm của tuổi trẻ thành phố thể hiện bằng các hành động thăm hỏi, hỗ trợ, đồng hành với các Mẹ trong đời sống thường nhật.

Cứ hai tháng một lần, bắt đầu từ tháng 7-2021, đoàn viên, thanh niên các địa phương, đơn vị sẽ thăm hỏi, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương. Bên cạnh thăm hỏi, trò chuyện, sẽ có các hoạt động hỗ trợ như: dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, chăm sóc vườn, viếng hương, hoa quả tại bàn thờ liệt sĩ trong gia đình, nấu bữa cơm và dùng cơm cùng Mẹ, mua sắm một số vật dụng nhỏ cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của Mẹ...

Đón các con tại nhà vào buổi sáng giữa tháng 7, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Buội (93 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) xúc động nói: “Các con đến rồi à? Mẹ vui lắm!”. Mẹ Buội có 12 người con, trong đó có 2 người con là liệt sĩ. Tuổi già thường hay quên nhưng Mẹ vẫn còn nhớ như in những ký ức về cách mạng, lúc tiễn con lên đường chiến đấu. Mẹ bảo, Mẹ già rồi, không cần gì nhiều, chỉ mong con cháu quây quần, mong các đoàn viên, thanh niên đến trò chuyện với Mẹ.

“Vừa rồi chính quyền địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng cho Mẹ sửa chữa nhà. Các con (đoàn viên, thanh niên) thường đến thăm, mang chế độ của Đảng, Nhà nước đến tận nhà cho Mẹ vì biết Mẹ không đi được. Cả đời mẹ sống vì lý tưởng cách mạng, lúc già yếu, bệnh tật được Đảng và Nhà nước chăm lo. Mẹ mãn nguyện lắm”, Mẹ Buội tâm sự.

Ngoài Thành Đoàn, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh thành phố còn tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho các thương binh, cựu chiến binh, “hành quân về nguồn”, trao quà cho hội viên cựu chiến binh, tặng sổ tiết kiệm và vận động hội viên tặng cây cảnh cho các nghĩa trang liệt sĩ… với tổng kinh phí huy động hơn 5 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện kế hoạch liên tịch thường xuyên từ 10 năm nay, tổ chức thắp nến tri ân các nghĩa trang liệt sĩ vào ngày rằm và đêm 30 âm lịch hằng tháng.

Đoàn viên, thanh niên và các cựu chiến binh tổ chức chăm sóc nghĩa trang, trồng cây xanh, tổ chức những buổi kể chuyện về các gương liệt sĩ anh hùng ngay tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vào dịp 27-7 hằng năm, các đơn vị cùng phối hợp tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ xã, phường và nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Không chỉ dừng lại ở phong trào, việc ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nhận được sự đồng thuận cao, thống nhất thành chủ trương chung của thành phố. Hằng năm, vào tháng 7 - Tháng đền ơn đáp nghĩa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đều tình nguyện trích 1 ngày lương để ủng hộ cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết: “Nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hằng năm dành cho việc tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; sửa chữa nhà ở và trợ cấp khó khăn đột xuất cho gia đình người có công, hội viên Hội Tù yêu nước, Hội Cựu chiến binh… gặp khó khăn do đau ốm thường xuyên và mắc bệnh hiểm nghèo… Trong thời gian tới, thành phố đa dạng hóa các hình thức vận động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia ngày việc làm ý nghĩa như chăm sóc, quản lý nghĩa trang liệt sĩ, nhận đỡ đầu gia đình chính sách khó khăn, tạo công ăn việc làm cho con cháu gia đình người có công nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng”.

MỸ HẰNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích