Gõ cửa từng nhà trao tiền hỗ trợ

.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua loạt biện pháp công cộng nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi sự ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời bảo đảm chăm sóc y tế và trợ cấp cho những gia đình đông con. Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa an sinh xã hội là những biện pháp công cộng nhằm giúp các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng đương đầu và kiềm chế nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương...

Có nhiều cách định nghĩa về an sinh xã hội như vậy, tuy nhiên cốt lõi của vấn đề vẫn là hoạt động hướng sự giúp đỡ, hỗ trợ cho các cá nhân, gia đình hay cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bất lợi từ thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, già yếu... để giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Thực tế tại thành phố những ngày qua có thể nói, chưa bao giờ ý nghĩa của việc bảo đảm an sinh xã hội, như cam kết của chính quyền thành phố, được thể hiện rõ rệt và mang đậm tính nhân văn đến thế. Bỏ qua mọi thủ tục, bỏ qua những cách thức cũ, ngày 5-8, những người dân sống trong khu vực phong tỏa phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà được nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền thành phố theo cách “gõ cửa từng nhà trao tiền hỗ trợ”.

Có thể tự tin nói rằng, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công tác an sinh theo quy trình... ngược như vậy. Tức không phải hình ảnh quen thuộc, mời người dân đến một địa điểm tập trung và trao tiền hỗ trợ, mà đại diện chính quyền địa phương, tổ dân phố đến tận nhà dân để trao. Trong những bộ đồ màu xanh kín mít từ đầu đến chân - trang phục đặc trưng thời chống Covid-19- người trao và người nhận mang khẩu trang che gần hết khuôn mặt, thế nhưng không giấu hết sự xúc động của bên trao và bên nhận. Một hình ảnh thật đẹp trong lúc dịch bệnh vẫn đang hoành hành!

Để chung tay với thành phố quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, những ngày qua, người dân cố gắng vượt qua mọi khó khăn, bất tiện khi sống trong không gian nhỏ hẹp ở nhà. Một ngày, hai ngày... thực phẩm cạn dần. Sự tù túng tăng lên cũng là lúc đại diện chính quyền thành phố đến gõ cửa, san sẻ khó khăn với người dân.

Chưa bao giờ câu chuyện an sinh xã hội lại được thể hiện trọn vẹn đến thế! Không chỉ trao tiền, thành phố còn trao cơ hội “đi chợ” tại chỗ cho người dân, bằng cách gửi đến từng hộ dân trong khu phong tỏa những tấm phiếu đi chợ với đầy đủ danh mục thiết yếu, kèm theo bảng giá được niêm yết, người dân chỉ cần “tích” vào ô hàng, số lượng... việc còn lại là lương thực thực phẩm sẽ đến từng hộ.

Người ta vẫn nói điều gì xuất phát từ tấm lòng sẽ đến được với tấm lòng. Và chỉ có tấm lòng hướng đến những người dân đang chật vật đối phó với Covid-19, thì lực lượng chức năng mới có được ý tưởng “gõ cửa từng nhà trao tiền hỗ trợ” và đi chợ giúp dân. Chăm lo cho dân, bảo đảm cho dân có cuộc sống ổn định để vượt qua dịch bệnh theo cách như vậy cốt lõi là sự “yên dân”. Và một khi lòng dân đã yên, tất nhiên thành phố sẽ có được sự đồng thuận, góp sức, chung lòng của toàn xã hội để chiến thắng dịch bệnh, thiên tai...

Mong rằng, với cách “lo cho dân” hướng đến sự “yên dân” luôn được các cấp chính quyền kế thừa và phát huy, để hoạt động an sinh xã hội trở cầu nối hiệu quả giúp đỡ người yếu thế trong xã hội vượt lên biến cố.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.