Nhiều cách làm hiệu quả để cải thiện cuộc sống

.

Nhiều năm liền, quận Thanh Khê liên tục dẫn đầu thành phố về công tác hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Nơi đây, cả hệ thống chính trị cùng chung tay góp sức, giúp nạn nhân da cam cải thiện và ổn định cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê tặng quà cho nạn nhân  da cam ngày 16-4-2021. (Ảnh chụp khi không có Covid-19) Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê tặng quà cho nạn nhân da cam ngày 16-4-2021. (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê có 10 chi hội với tổng số 792 nạn nhân da cam, đa số là đối tượng phơi nhiễm, nghi nhiễm và hầu hết nằm trong diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Hằng năm, hội tích cực tham mưu lãnh đạo quận và xây dựng quan hệ phối hợp các phòng, ngành, đoàn thể về việc giúp đỡ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn này. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Đồng thời, quán triệt việc trợ giúp nạn nhân da cam là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê phối hợp các cơ quan chức năng lập hồ sơ quản lý; tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho 100% nạn nhân da cam và người thân trong gia đình; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội ở các phường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ hội luôn nêu cao nhiệt tình, tâm huyết, nỗ lực vận động kinh phí.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Lê Thành Sự, mỗi năm có gần 20 đơn vị, cá nhân nhiệt tình ủng hộ kinh phí cho các hoạt động trợ giúp, chăm sóc nạn nhân da cam. Tiêu biểu như Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Ông Bảy tài trợ 7 nhà tình thương (40-60 triệu đồng/nhà) tặng nạn nhân da cam tại quận Thanh Khê và huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam); tặng quà, hỗ trợ nạn nhân da cam trên địa bàn quận gần 30 triệu đồng/năm.

Hay như Công ty CP Dệt may 29-3 trợ dưỡng thường xuyên 30 nạn nhân da cam với mức 200.000 đồng/tháng. Trong khi đó, Tập đoàn Sun Group và Ngân hàng Thương mại CP Đông Nam Á trao tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng cho các nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hội vận động được một số Việt kiều ủng hộ Quỹ hỗ trợ nạn nhân da cam.

Giai đoạn 2006-2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê vận động để hỗ trợ nạn nhân da cam bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng trường hợp, với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng.

Trong đó, có 780 lượt nạn nhân da cam được trợ dưỡng thường xuyên; hơn 10.000 lượt nạn nhân da cam được tặng quà vào các dịp lễ, Tết; 21 gia đình có nạn nhân da cam được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà; 111 nạn nhân da cam được hỗ trợ xe lăn, xe lắc làm phương tiện đi lại. Vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán hằng năm, hội đều tổ chức vận động tặng quà cho nạn nhân da cam.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội phấn đấu vận động tặng quà cho tất cả nạn nhân da cam trên địa bàn quận. “Toàn hội hiện có 399 nạn nhân da cam hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và chúng tôi đang tiếp tục làm thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết cho 133 nạn nhân da cam thuộc thế hệ thứ 2 được nhận chế độ trợ cấp hằng tháng”, ông Lê Thành Sự chia sẻ.

Với những cách làm sâu sát, hiệu quả, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Thanh Khê đã trở thành đơn vị điển hình về công tác chăm sóc, trợ giúp nạn nhân da cam, nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua toàn thành phố, được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Chủ tịch UBND thành phố tặng nhiều bằng khen.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.