Nỗ lực thực hiện 'an dân' trong mùa dịch

.

ĐNO - Ngày 30-11-2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua Quyết định số 2526-QĐ/TU ban hành Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Ở thời điểm ấy, hẳn ít ai ngờ có một loại virus về dịch bệnh lan truyền nhanh chóng, khốc liệt như virus corona đang hoành hành toàn cầu, trên cả nước, trong đó có thành phố chúng ta, tạo nên tâm lý bất an trong xã hội. Nội dung “an dân” giờ đây mang những sắc thái mới - an dân trong tình trạng thành phố bị tác động mạnh của dịch bệnh, có thời điểm phải áp dụng những biện pháp cách ly y tế trên diện rộng.

Nội dung chủ yếu của mục tiêu an dân ở thời điểm 2016 chủ yếu bao gồm công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiếp tục nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Tất nhiên nội dung an sinh xã hội cũng bao gồm cả vấn đề sức khỏe, đời sống người dân trong những tình huống bất trắc, dịch bệnh… nhưng rõ ràng, với Covid-19 và những biến thể của nó, chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn, chưa có tiền lệ.

An dân là mục tiêu, là mong muốn lớn của những người có trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Lòng dân có yên thì vận nước mới thịnh. Trước biến động khó lường của dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có hàng loạt những chủ trương, biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, linh hoạt nhằm thực hiện cho được mục tiêu kép, vừa đẩy lùi Covid-19, vừa phát triển kinh tế; vừa ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, vừa chăm lo sức khỏe và đời sống của từng người dân, phấn đấu không để ai lùi lại phía sau.

Trên địa bàn Đà Nẵng, với kinh nghiệm thực tiễn của những lần chống Covid 19 trong gần 2 năm qua, thành phố đã chủ động ứng phó, rút kinh nghiệm, điều chỉnh chủ trương để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc chăm lo đời sống nhân dân trước diễn biến nhanh chóng của làn sóng dịch bệnh. Những chủ trương, biện pháp ra đời đúng lúc, cộng với lòng quyết tâm chống dịch, phẩm chất chịu thương, chịu khó và tinh thần tương thân tương ái vô cùng đáng trân trọng trong cộng đồng nhân dân đã giúp cho tâm lý xã hội cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, thách thức đối với chủ trương an dân vẫn không hề nhỏ do tình hình dịch bệnh kéo dài. Không phải không có những nỗi niềm, những lo lắng chính đáng trong tâm lý mọi người. Thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống (chưa nói trên mạng xã hội) về tình hình dịch và chống dịch trên thế giới, tình hình dịch tại các địa phương trong nước và ngay cả trên địa bàn đang sinh sống… một mặt có tác dụng định hướng, khuyến cáo người dân cảnh giác với dịch bệnh, nhưng mặt khác cũng đã phần nào tạo ra những băn khoăn, lo lắng.

Bên cạnh đó, có lúc có nơi, nguồn cung lương thực thực phẩm bị hạn chế, không còn thoải mái dồi dào như trước, lại thêm tình trạng giãn cách xã hội, nhất là những khu vực phong tỏa “cứng”, những lý do đó càng tạo nên tâm lý bất an trong một bộ phận nhân dân. Đó là chưa kể những bộ phận yếu thế trong xã hội, các cháu thiếu nhi đang tuổi hiếu động lại không có không gian vui chơi; những người già, nhất là ở những khu lao động đông đúc cần sự chăm sóc y tế thường xuyên không phải lúc nào cũng được đáp ứng đầy đủ.

Nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức đó, với sự đồng tâm, chung sức, đồng lòng, đồng cảm giữa chính quyền và người dân, cùng với cả nước, chúng ta vẫn hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thành phố, vừa bảo đảm sản xuất, vừa chăm lo đời sống nhân dân. Công tác tư tưởng vẫn đang thể hiện vai trò tác động khá hiệu quả.

Các phương tiện truyền thông đã làm tốt việc tuyên truyền ổn định tư tưởng, lấy cái tốt, cái tích cực, cái thiện đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực ngay trong những ngày dịch. Biết bao tấm gương tận tụy hy sinh vì người bệnh, biết bao tấm lòng hảo tâm, biết bao cử chỉ và hành động cao đẹp được kể lại, được tôn vinh bằng nhiều hình thức đã góp phần làm vơi đi những buồn lo, trăn trở.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng, điều quan trọng và mang hiệu quả thực tế lúc này là bảo đảm những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, đặc biệt là nguồn lương thực, thực phẩm, dược phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Mặc dù có lúc có nơi, do diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình dịch bệnh, cung vẫn chưa đủ cầu dẫn đến thiếu cục bộ, nhất là ở những khu vực bị phong tỏa; tuy nhiên, thành phố đã kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc phân công, phân nhiệm cụ thể cho các đơn vị cung ứng, kịp thời giải quyết tình hình.

Đặc biệt, từ 16-8-2021, để thực hiện chủ trương 7 ngày thành phố dừng tất cả các hoạt động để chống dịch, thực hiện triệt để nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, thấu cảm để có những chỉ đạo rất cụ thể, từ việc đề ra phương án cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân khá chi tiết, cho đến việc lập danh sách nhóm bác sĩ của thành phố tham gia tư vấn miễn phí online cho bà con khi có vấn đề sức khỏe...

Ngay cả những mảng công việc khó khăn như việc tiêm vắc-xin phòng dịch, việc phân bổ, đầu tư cho các khu vực, các đối tượng, nhất là những khu vực đang có nguy cơ cao và nhóm người cao tuổi, những người bị bệnh nền mãn tính cũng đã được kịp thời quan tâm. Mọi việc trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Mặc dù cuộc chiến chống “giặc Covid-19” còn căng thẳng, người dân Đà Nẵng còn phải đối mặt nhiều thách thức mới do dịch bệnh gây ra, nhưng với ý chí quyết thắng đại dịch, chắc chắn chúng ta sẽ chế ngự tình hình, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm mà HĐND đã thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 12-8 vừa qua.

Trước mắt là thực hiện nghiêm Quyết định số 2788/QĐ-UB ngày 14-8-2021 của UBND thành phố, mọi người dân “ai ở đâu thì ở đó”, chúng ta sẽ ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh, thực hiện thắng lợi Chương trình “4 an” trong điều kiện đặc biệt của Covid 19.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.