Đô thị hóa nông thôn nhìn từ cơ sở hạ tầng

.

Với sự chung tay hỗ trợ của toàn thành phố trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang đã đạt những thành tựu cơ bản trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đô thị. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đầu tư đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố.

Bộ mặt nông thôn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) khang trang, sạch đẹp sau khi tuyến đường ĐT605 được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 							     Ảnh: Đ.H.L
Bộ mặt nông thôn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) khang trang, sạch đẹp sau khi tuyến đường ĐT605 được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Đ.H.L

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây và tây bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Có thể nhận thấy rằng, với xu hướng phát triển thành phố về phía tây nam trong thời gian gần đây đã giúp quá trình đô thị hóa ở huyện Hòa Vang diễn ra nhanh chóng. Bộ mặt đô thị dần xuất hiện trên các con đường rộng mở, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và công nghệ cao. Kinh tế huyện đã có sự tăng trưởng và phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

UBND huyện Hòa Vang cho biết, hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm. Các ngành công nghiệp có giá trị cao tiếp tục trở thành thế mạnh của huyện như sắt thép, khai thác đất, đá, gạch tuy-nen, bê-tông, xi-măng, may mặc gia công, chế biến gỗ... Để tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển, lãnh đạo huyện đã đề xuất thành phố tập trung tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao (CNC) giai đoạn 1 và 2 và các công trình phụ trợ; tiếp tục các thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Hòa Ninh và Khu công nghiệp Hòa Nhơn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan lập các thủ tục trình thành phố đầu tư dự án Cụm công nghiệp Hòa Nhơn; điều chỉnh Khu công nghiệp Hòa Nhơn, xem xét sự phù hợp của các dự án hiện có và nghiên cứu bố trí khu vực để di dời các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực: trạm bê-tông tươi, bê-tông nhựa nóng, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng...

Song song đó, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 20.000 tấn rau, 1.200 tấn thủy sản và gần 1 triệu con gia cầm các loại. Các hoạt động thương mại - dịch vụ khác phát triển khá tích cực đi đôi với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, thích nghi dần với quá trình hội nhập và sự cạnh tranh của thị trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân 16%/năm. Bước đầu hình thành những khu du lịch có sức hấp dẫn lớn với du khách như Bà Nà Hills, Khu suối khoáng nóng Núi Thần Tài, suối Hoa... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,08 triệu đồng/người/năm.

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng đồng bộ

Bên cạnh thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Hòa Vang trở thành thị xã. Huyện ủy Hòa Vang đã xây dựng Đề án “Thực hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo hướng đô thị trên địa bàn huyện”. Đề án này là cơ sở thực hiện đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của địa phương trong thời gian đến.

Đến nay, huyện Hòa Vang có tổng chiều dài hệ thống đường giao thông khoảng hơn 1.000km. Trong đó, các tuyến đường trục chính gồm: 8km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; 57km đường quốc lộ (QL1A, QL14B, QL14G); 75km đường tỉnh (ĐT601, ĐT602, ĐT605), riêng tuyến ĐT601 thành phố đang triển khai nâng cấp và 64km đường huyện. Giao thông trong các khu dân cư được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch với chiều dài 128km. Đối với các tuyến đường xã, trục chính thôn (dài 154km), hầu hết được đầu tư mặt đường 5,5m bằng bê-tông, một số tuyến được thảm nhựa, lề mỗi bên 0,75m. Đường kiệt, hẻm có tổng chiều dài 625km, hầu hết được đầu tư bê-tông, mặt đường 2-4m, đầu tư theo hình thức Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân tự tổ chức thi công.

Đối với hệ thống điện chiếu sáng, huyện có 100% các tuyến đường trục chính liên xã, liên thôn được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng bảo đảm giao thông thuận lợi. Hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn được thành phố và các doanh nghiệp viễn thông đầu tư dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và sử dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến.

Toàn huyện có 297 trạm BTS của 5 nhà mạng. Mạng lưới cung cấp dịch vụ điện thoại di động và cáp quang cơ bản phủ khắp các thôn. Mạng internet ở huyện là mạng băng thông rộng, kết nối  mạng 1Gbps đến 20Gbps và kết nối tập trung ra internet với băng thông lên đến 4,5Gbps. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng khoảng 1,4 thuê bao/1 người dân. 

Bà Đinh Thị Thúy Hương, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hòa Vang cho biết, với việc thực hiện Đề án “Thực hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo hướng đô thị trên địa bàn huyện”, huyện sẽ ưu tiên lựa chọn đầu tư những dự án quan trọng nhằm tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn, bảo đảm tính đồng bộ và sự hài hòa giữa các địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng. Theo đó, huyện tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực: cấp nước, thoát nước, giao thông, cấp điện, chiếu sáng, viễn thông, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, công viên, vườn dạo, cây xanh.

Đặc biệt, việc hoàn thành quy hoạch chung các xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn bảo đảm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên các lĩnh vực sẽ làm cơ sở để huyện quy hoạch xây dựng. Việc đề ra các định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi gắn với xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng sẽ góp phần huy động, cân đối nguồn lực hiệu quả, tạo động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.