Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Nguyễn Cao Cường khẳng định, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động đồng bào có đạo chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực vào sự phát triển đất nước.
Thành phố vận động đồng bào có đạo chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. TRONG ẢNH: Ban Tôn giáo thành phố tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc cho Họ đạo Cao đài Hòa Phong (Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh). (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: NGUYỄN QUANG |
Ông Nguyễn Cao Cường cho biết:
- Công tác tôn giáo của thành phố trong thời gian tới cũng đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp tiếp cận mới để đáp ứng sự đổi thay và phát triển của thành phố. Ban Tôn giáo thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giải quyết và tham mưu giải quyết có hiệu quả các nhu cầu tôn giáo chính đáng của người dân trên địa bàn thành phố; tập trung công tác tham mưu, phối hợp, hướng dẫn một số hoạt động lớn của tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo. Qua đó, tạo không khí sinh hoạt tôn giáo phấn khởi vui tươi trong đồng bào có đạo.
* Những yêu cầu, phương pháp tiếp cận mới đó cụ thể là gì, thưa ông?
- Trước hết, cần quán triệt quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tín đồ tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều phải tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, cần khắc phục những nhận thức thiển cận về tôn giáo, xóa bỏ mặc cảm, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đồng thời đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam vào mặt trận chung, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức và mỗi người dân công tác tôn giáo, nhất là những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo” có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.
Các cấp, ngành, địa phương gắn việc tổ chức học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, công tác tôn giáo với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác dân vận nói chung và công tác vận động quần chúng tôn giáo nói riêng.
Các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn thành phố cần tăng cường củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác tôn giáo; bố trí cán bộ lãnh đạo, cán bộ theo dõi công tác tôn giáo có năng lực, bản lĩnh, hiểu biết về tôn giáo; đồng thời quan tâm thỏa đáng việc đào tạo bồi dưỡng, bảo đảm chế độ, chính sách để đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo tâm huyết, say mê công tác.
* Vậy các giải pháp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đó là gì?
- Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể cần triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo một cách đồng bộ, có tính thống nhất cao; động viên đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động; vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy những nét đẹp truyền thống, yếu tố tích cực, điểm tương đồng trong các tôn giáo, tham gia mạnh mẽ các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và vận động để các tín đồ tôn giáo nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; nắm chắc tình hình tôn giáo ở địa phương, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo. Từ đó, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những đề nghị chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, tín đồ tôn giáo, tạo sự đồng thuận, hợp tình, hợp lý trong công tác quản lý, đúng quy định, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.
Các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn đối với các “tà đạo”; các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan; chia rẽ dân tộc, chia rẽ giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không có tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng tôn giáo để gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, gắn với các Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” “4 an”, “Năm văn hóa văn minh đô thị”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thành phố, bao gồm cả người có đạo. Để từ đó, đồng bào có đạo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố; đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, phấn đấu cùng các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng thành phố Đà Nẵng thêm giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
TRỌNG HUY thực hiện