Những ngày qua, các đơn vị khẩn trương tổ chức thi công các kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông và các công trình hạ tầng, nhà dân sau một thời gian tạm ngừng thi công để bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19.
Công nhân thi công rọ đá, gia cố tường chắn chống sạt lở để bảo vệ tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Từ đầu năm 2021, các đơn vị chức năng đã hoàn thành công tác khắc phục sạt lở, sửa chữa để bảo đảm giao thông bước 1 tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ tại lý trình Km10+300. Đến cuối tháng 3-2021, UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 2 trên tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ tại lý trình Km10+300 với tổng mức đầu tư 6,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Ngay trước mùa mưa bão năm 2021, nhà thầu đã triển khai thi công công trình. Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu lắp dựng rọ đá và đắp đất mái ta-luy để tiến hành ốp các tấm bê-tông cốt thép. Tuy nhiên, người dân ở thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) khá lo lắng khi chưa được xây dựng công trình kè để giữ đất sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Cao (người dân trú tổ 1, thôn An Sơn) bày tỏ: “Phía sau nhà tôi bị sạt lở vào sâu hơn 5m và kéo dài gần 100m. Người dân mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp kè bảo vệ đất sản xuất và nhà dân lâu dài”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương thông tin, đoạn suối Mơ nói trên bị sạt lở cả 2 bờ nhưng hiện các đơn vị chỉ mới thi công kè bảo vệ tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ, còn bờ sạt lở có nhiều đất sản xuất nông nghiệp của người dân thì chưa có dự án kè chống sạt lở. UBND xã Hòa Ninh sẽ tiếp tục kiến nghị cấp trên có biện pháp chống sạt lở, mất đất sản xuất.
Cuối tháng 5-2021, UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 2 trên tuyến đường Như Nguyệt (đoạn từ cầu Thuận Phước đến sàn cảnh quan đầu tiên). Theo đó, điều chỉnh thiết kế cánh hẫng phía bờ sông; hoàn trả, làm mới một phần đỉnh kè và gân tăng cường hiện trạng bằng kết cấu bê-tông cốt thép bền sunfat; tháo dỡ, sửa chữa và gia cố kết cấu vỉa hè; sửa chữa, hoàn trả các cột lan can, hệ thống điện trang trí... Những ngày qua, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để tập trung thi công phần kè.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án), công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 2 trên tuyến đường Như Nguyệt và tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ sẽ hoàn thành trong tháng 10-2021.
Hiện tại, công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò là 1 trong 25 công trình được UBND thành phố cho phép triển khai thi công trở lại từ ngày 26-8, trong đó có 3 nhánh kè chống sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 3.652m. Đến nay, công trình đã hoàn thành đạt 42% khối lượng thi công. Các nhà thầu đang tranh thủ những ngày nắng ráo và khắc phục khó khăn về dịch bệnh để triển khai thi công. Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp các đoạn xung yếu trên sông Yên (đoạn qua thôn La Châu, xã Hòa Khương; thôn An Trạch và thôn Bắc An, xã Hòa Tiến) với tổng chiều dài 2.203m cũng được UBND thành phố cho phép thi công trở lại vào ngày 26-8, nhưng chỉ tuyến kè số 2 (đoạn qua thôn La Châu, xã Hòa Khương) với chiều dài 980m là thi công tương đối thuận lợi và đã thực hiện được 30% khối lượng thi công. Đối với các tuyến kè số 1 và tuyến kè số 3 nằm trên địa bàn xã Hòa Tiến vẫn chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng và nguồn cung cấp và vận chuyển vật liệu xây dựng...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn do dịch bệnh (công nhân, giấy đi đường, vật liệu xây dựng...), tranh thủ tập trung thi công, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ bờ sông, vừa an toàn cho công trình.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Lê Văn Tuyến cho hay, trong tuần này, đơn vị tiến hành phát quang, tập kết vật liệu để tuần đến triển khai thi công đặt các rọ đá bảo đảm an toàn nhà dân khu vực cầu Hói (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) rồi triển khai thi công kè khẩn cấp trong 1 tháng để chống sạt lở ở khu vực này. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai đặt các rọ đá, triển khai kè, gia cố khẩn cấp một số vị trí khác trên địa bàn huyện Hòa Vang để bảo vệ bờ, bảo đảm an toàn công trình và nhân dân trước đợt mưa lũ xảy ra sắp đến.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang thông tin thêm, hiện các đoạn xung yếu dọc sông Yên, Vĩnh Điện, Cu Đê... đoạn qua huyện Hòa Vang đều đã và đang triển khai các công trình kè chống sạt lở. Sắp đến, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều công trình kè chống sạt lở bờ sông, nhất là bờ sông Vĩnh Điện, kể cả những đoạn bờ sông không có nhà dân.
HOÀNG HIỆP