Bằng việc ra đời các mô hình, phần việc cụ thể như trồng chuối lấy lá, xây dựng các tuyến đường xanh sạch đẹp, hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc vươn lên phát triển kinh tế…, các cấp hội phụ nữ huyện Hòa Vang đã chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phụ nữ huyện Hòa Vang tham gia mô hình trồng cây ăn trái phát triển kinh tế hộ gia đình.(Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: THANH TÌNH |
1. Từ đầu tháng 8 đến trước thời điểm Đà Nẵng thực hiện Quyết định 2788/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 14-8-2021 về bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Tiến phát động tất cả chi hội phụ nữ các thôn triển khai việc gói bánh tặng lực lượng tuyến đầu, các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa, khu cách ly trên địa bàn. Mỗi chi hội đăng ký thực hiện ít nhất một lần việc gói bánh tùy theo điều kiện từng chi hội. Các hội viên góp gạo và hỗ trợ công gói, Hội LHPN xã hỗ trợ kinh phí làm nhân bánh, sau khi nấu xong các chị em tự đem đến thăm các lực lượng.
Chị Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến cho biết: “Phong trào “Bánh gói xanh nghĩa tình” xuất phát từ mô hình trồng chuối lấy lá có sẵn tại địa phương. Những chiếc bánh được gửi đến những người ngày đêm làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 để chia sẻ cùng lực lượng tham gia chốt chặn trên địa bàn”.
Mô hình trồng chuối lấy lá của phụ nữ xã Hòa Tiến được triển khai cuối năm 2020, đến nay có 5 chi hội trồng gồm Bắc An, La Bông, Cẩm Nê, An Trạch và Lệ Sơn 2. Mỗi vườn có diện tích từ 300m2 đến hơn 1.000m2, vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế như bán lá, bán búp gây quỹ, thân chuối dùng làm thức ăn cho gà, lá dùng gói các loại bánh như bánh gói, bánh chưng... Không những thế, nhờ mô hình trồng chuối, lượng rác thải nhựa ra môi trường trên địa bàn xã giảm hẳn. “Từ ngày 6-8, có 8 chi hội và Hội LHPN xã triển khai mô hình, gói hơn 1.300 bánh hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt tại địa phương, các chốt C8 trên đường ĐT 605, chốt C20, Bệnh viện Hòa Vang; trao tặng các lực lượng công an, dân quân xã ăn khuya và ăn sáng. Đây là việc làm ý nghĩa, tuy giá trị không nhiều nhưng tạo động lực để các lực lượng làm tốt nhiệm vụ, cùng với địa phương chung tay phòng, chống dịch”, chị Lai nói thêm.
2. Cuối năm 2020, Hội LHPN xã Hòa Bắc chọn một hộ gia đình người đồng bào thuộc thôn Tà Lang - Giàn Bí làm mô hình điểm “Vườn cây kiểu mẫu” phục vụ phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng, đồng thời hướng đến làm ra những nông sản sạch cho địa phương. Hội LHPN xã Hòa Bắc hỗ trợ 50 gốc ổi, thuê nhân công múc hố, đổ phân; các chị em bỏ công trồng, làm các hệ thống nước tưới. Khu vườn đầu tư hơn 20 triệu đồng, chưa tính công chăm bón của hàng chục lượt phụ nữ trên địa bàn xã. Đến nay, 50 cây ổi cho trái; khi hiệu quả, Hội LHPN xã sẽ nhân rộng mô hình, hướng đến làm du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm đa dạng.
Chị Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc cho biết, sau khi hình thành vườn ổi, các chị em tìm những cây sim rừng trồng xung quanh vườn cây vừa tạo cảnh quan, vừa cho trái. Sim là loại cây chịu khô hạn của đất đồi núi, đến mùa cây sim cho hoa đẹp, trái ngon nên chị em phụ nữ Hòa Bắc chọn trồng. “Chúng tôi mong muốn khi mô hình thành công sẽ đạt mục tiêu đưa sản phẩm sạch đến mọi nhà và đặc biệt là điểm cho người dân, du khách đến tham quan. Việc hỗ trợ hộ phụ nữ người đồng bào cũng góp phần lan tỏa cho mỗi người dân đồng bào bám đất, bám rừng làm kinh tế”, chị Ga bộc bạch.
Cũng theo chị Ga, trước đây người Cơ tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí vốn sống theo phương thức du canh, du cư. Để họ ở ổn định tại địa phương, chính quyền, đoàn thể phải bảo đảm cho họ cái ăn, cái mặc, giúp phát triển kinh tế. Xã Hòa Bắc còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm nghiệp kết hợp, những người trẻ chọn làm việc trong các khu công nghiệp. Vì vậy, các cấp hội phụ nữ luôn sáng tạo ra nhiều mô hình giúp chị em phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình xây dựng nông thôn mới hoặc vận động các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ bà con; song song đó, tích cực thực hiện các mô hình hướng tới phân loại, xử lý rác tại nguồn, làm sản phẩm tái chế rác, tạo việc làm cho phụ nữ nghèo…
3. Về xã Hòa Nhơn, mặc dù trời nắng oi ả nhưng hai bên các tuyến đường liên xã, liên thôn xanh mát, sạch đẹp. Chị Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn cho hay, 14 chi hội thuộc Hội LHPN xã vừa hoàn thành 14 tuyến đường xanh tự quản. Mỗi tuyến đường dài 200-500m tùy thuộc đăng ký của mỗi chi hội. Để làm được tuyến đường, các chị em dành nhiều ngày phát quang, dọn cỏ, trồng cây xanh. Sau khi các tuyến đường hình thành, các chi hội hằng tuần duy trì việc tỉa cây, chăm sóc để các cây như chiều tím, liễu, hoa giấy… hai bên đường không bị khô héo. Các chi hội còn gắn lên dọc tuyến đường những câu khẩu hiệu để tuyên truyền về Đại hội Hội LHPN huyện và đại hội Hội LHPN các cấp.
Chị Tuyến chia sẻ: “Với những tuyến đường xanh, sạch, đẹp, bộ mặt xã Hòa Nhơn cũng như huyện Hòa Vang khang trang hơn. Diện mạo nông thôn khởi sắc, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao sẽ mở ra cơ hội cho địa phương thu hút được các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, người dân có thêm điều kiện thụ hưởng các tiện ích, an sinh xã hội”.
"Hòa Vang là huyện nông nghiệp, hội viên phụ nữ chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán nhỏ, nhưng chị em tích cực học tập kiến thức, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp trong công tác hội và phong trào phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ Hòa Vang còn chung tay xây dựng nông thôn mới bằng nhiều mô hình, phong trào thiết thực, cụ thể như: Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp; Thùng rác văn minh; Mái nhà xanh; Tuyến đường phụ nữ tự quản; Trồng chuối lấy lá; Thôn không rác trong cộng đồng dân cư; Trồng hoa và cây xanh…, tạo sự lan tỏa, khẳng định vai trò chủ động, tích cực của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” Chị Lê Huyền Trâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang |
THANH TÌNH