Tỏa sáng phẩm chất giữa đời thường

.

Vừa giỏi làm kinh tế vườn rừng vừa hăng say công tác địa phương, ông Nguyễn Quốc Huy, thương binh hạng 3, nạn nhân chất độc da cam (80 tuổi, thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) tỏa sáng phẩm chất “tàn nhưng không phế”.    

Ông Nguyễn Quốc Huy tại mô hình nuôi cá của gia đình.  Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ông Nguyễn Quốc Huy tại mô hình nuôi cá của gia đình. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ông Huy quê Hà Tĩnh, sau khi nghỉ hưu (năm 1985) đến thôn Phú Sơn 2 lập nghiệp. Nơi đây trở thành quê hương thứ 2 của ông. Ngày đó, vùng đất Phú Sơn còn hoang vu, um tùm cỏ cây hoang dại, ông Huy và gia đình nỗ lực khai phá, xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng rộng hơn 5.000m2. Siêng năng, chăm chỉ, giỏi ứng dụng kỹ thuật, lại có nguồn phân bón dồi dào từ việc chăn nuôi, các loại cây trồng của ông Huy thường xuyên đạt năng suất cao. Chỉ riêng một giàn bí đao chanh khoảng 200m2, ông có sản phẩm bán liên tục trong 3 tháng.

Đồng thời, ông Huy đào ao nuôi cá với diện tích 1.500m2 chuyên nuôi giống cá trê lai. Người cựu chiến binh (CCB) giàu ý chí vượt khó vươn lên cho biết, cá trê lai có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, chỉ cần cho ăn dồi dào là phát triển rất nhanh. 

Mùa nào thức ấy, khu vườn của ông Huy quanh năm xanh tốt. Các sản phẩm bắp, sắn, rau lang dùng làm thức ăn nuôi cá, heo, bò. Mỗi vụ, ông nuôi 50kg cá giống, 4 tháng thu hoạch một lần, trừ chi phí còn lãi ròng gần 60 triệu đồng. Ngay trên mặt nước ao cá, ông làm 15 chiếc lồng để nuôi ếch, tạo thành mô hình chăn nuôi kết hợp “ếch trên, cá dưới”, tăng thêm thu nhập mỗi năm hơn 120 triệu đồng.

“Làm kinh tế vườn - ao - chuồng ở đây khá thuận lợi vì có nguồn nước ngọt từ hồ Đồng Nghệ và các loại sản phẩm đều có thương lái đến mua tại chỗ”, ông Huy chia sẻ.

Cùng với đó, ông Huy hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị như Bí thư Chi bộ thôn Phú Sơn 2, đại biểu HĐND xã, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Khương… Nhiệm vụ nào ông cũng nhiệt tình, năng nổ, tận tâm. Ông thường xuyên nói chuyện truyền thống tại các trường học và chi đoàn thanh niên các thôn trên địa bàn. Dày công tìm hiểu, nghiên cứu, ông Huy nắm vững lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Hòa Khương anh hùng. Những buổi tuyên truyền của ông Huy cuốn hút người nghe với nhiều dẫn chứng phong phú, sống động.

Anh Trần Quốc Ấn (thôn Phú Sơn 2) bộc bạch: “Nghe bác Huy nói chuyện truyền thống, tôi biết được nhiều chiến công, nhiều sự kiện hào hùng tại xã nhà qua các thời kỳ và càng thêm yêu quý, tự hào về quê hương mình”.  

Những năm qua, ông Huy được Đảng ủy xã Hòa Khương chọn làm hướng dẫn viên phục vụ khách tham quan tại các di tích cách mạng trên địa bàn xã. Người hướng dẫn viên cao tuổi này dẫn dắt nhiều lượt du khách đến với truyền thống oai hùng của xã trung du Hòa Khương. Từ sự kiện thành lập Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ (chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hòa Vang), đến những kỳ tích tại Khu căn cứ Đồng Xanh - Đồng Nghệ; từ chiến thắng Bàu Năng trong kháng chiến chống Pháp, đến chiến thắng Gò Hà thời chống Mỹ và các chiến công khác trên quê hương Hòa Khương, ông đều nhớ chính xác ngày giờ, đặc điểm, đơn vị tham gia, diễn biến và kết quả trận đánh…

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Khương Trần Thị Lý, cách giới thiệu của ông Huy sôi nổi, hấp dẫn và đạt hiệu quả tuyên truyền cao.

Đặc biệt, ông Huy luôn tận tình dìu dắt, truyền đạt kinh nghiệm công tác cho lớp cán bộ trẻ. Thời gian qua, ông giúp đỡ, tạo điều kiện cho hơn 10 thanh niên phấn đấu đứng vào hàng ngũ Đảng. “Ông Huy là tấm gương sáng nổi bật với kỹ năng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bà Trần Thị Lý nhấn mạnh.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.