Chất lượng dân số nhìn từ phái mạnh

.

Khi nói về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình, hầu hết đều nghĩ về trách nhiệm của phụ nữ mà ít quan tâm đến vai trò của nam giới. Điều này mang lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình, nhưng xa hơn là ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng dân số của dân tộc, đất nước.

Trong công tác dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số, nam giới và phụ nữ là hai chủ thể chính không thể tách rời nhau. Một mình phái nữ không thể thực hiện được kế hoạch hóa gia đình, cũng không thể bảo đảm chất lượng dân số của đất nước. Phái nữ với đặc điểm chung là cẩn thận, chỉn chu trong lối sống, cách sinh hoạt, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Có phần trái ngược, nhiều nam giới thường ít quan tâm đến việc chăm lo đến sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, đa phần phụ nữ chứ không phải nam giới duy trì thói quen thể dục vốn được khuyến khích để có cơ thể khỏe mạnh và tâm trạng vui vẻ, lạc quan. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khá phổ biến hiện nay là xu hướng nam giới trẻ bị bệnh tuổi già như huyết áp, tim mạch, cơ - xương - khớp ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, các bệnh do lạm dụng bia rượu, thuốc lá, sử dụng chất kích thích... cũng làm gia tăng đáng kể tỷ lệ nam giới bị các bệnh về gan, phổi, hô hấp và tiêu hóa. Không những vậy, phái mạnh thường làm những công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như thợ xây dựng, khai thác khoáng sản, tài xế đường dài... nên tỷ lệ nam giới bị thương tật do tai nạn lao động, tai nạn giao thông nhiều hơn phụ nữ. Tất cả những yếu tố này làm suy giảm sức khỏe của nam giới đáng kể và kéo theo đó là ốm đau, bệnh tật, khó khăn về kinh tế...

Một đứa con khỏe mạnh phải được sinh ra từ người bố và người mẹ khỏe mạnh về thể chất, lẫn tinh thần. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra ở nam giới, rõ ràng cho thấy phái mạnh chưa thật sự... mạnh. Với những người đàn ông nhiều bệnh tật, một viễn cảnh càng về già, càng đau yếu, phải sống chung với nhiều bệnh mạn tính là điều không tránh khỏi. Thực tế này không mới, đang diễn ra với mức độ đáng lo ngại hơn.

Vì lẽ đó, để cải thiện tình hình, hạn chế tình trạng ốm đau, bệnh tật, thương tích cho nam giới, thời gian đến, công tác tuyền thông dân số và phát triển cần có sự thay đổi thích hợp. Thay vì tập trung tuyên truyền vào phụ nữ như lâu nay, cần “xoay trục” sang nam giới nhiều hơn. Nhằm thay đổi nhận thức, tiến đến thay đổi hành vi, thói quen của nam giới trong sinh hoạt, lao động hằng ngày.

Đặc biệt, tuyên truyền cho nam giới nhận thức đúng vấn đề dân số nói chung và chất lượng dân số. Theo đó, những nội dung này không dành riêng cho phụ nữ mà cần sự chung tay của cả hai. Với ngành y tế, ngoài công tác khám sàng lọc bệnh cho phụ nữ cũng rất cần tổ chức khám sàng lọc bệnh định kỳ cho nam giới, nhất là nam giới lớn tuổi.

Chất lượng dân số tốt không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho phụ nữ khỏe mạnh mà phải từ cả hai phái.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.