Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về miễn nhiệm, từ chức của cán bộ” các cấp. Quy định nêu 6 căn cứ để miễn nhiệm, 4 căn cứ để từ chức cùng với 3 căn cứ để miễn nhiệm, từ chức đối với người đứng đầu.
Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào quy định của Bộ Chính trị.
* Tiến sĩ Nguyễn Mậu Dựng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3 (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà): “Văn hóa từ chức” được coi là một trong những biểu hiện của “Văn hóa lãnh đạo, quản lý”
Cũng dễ hiểu khi người lãnh đạo, quản lý biết từ chức theo đúng những căn cứ được nêu trong quy định, thì đó cũng chính là người thật sự có trách nhiệm với cộng đồng và với chính mình; dưới góc độ văn hóa, đó cũng là người biết giữ sự “liêm sĩ” của bản thân. Vì vậy, người biết từ chức là người có đạo đức trong sáng và có một phông văn hóa cao. 13 căn cứ mà Quy định số 41-QĐ/TW đã nêu là hết sức rõ và cụ thể cả về phương diện định tính, lẫn định lượng; tính khả thi trong việc thực hiện, qua đó hệ thống chính trị các cấp cũng dễ kiểm soát, nhân dân cũng dễ giám sát. Việc giành riêng một mục với 3 căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với người đứng đầu thể hiện tính nhất quán của Đảng trong việc khẳng định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Vấn đề còn lại khi triển khai thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW là vai trò, trách nhiệm và quyết tâm của các cấp ủy nơi quản lý cán bộ và ý thức tự phê bình và phê bình của người cán bộ và tổ chức cơ sở Đảng nơi người cán bộ sinh hoạt và làm việc.
Rất cần một hướng dẫn thực hiện của Ban Tổ chức Trung ương về vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của các cá nhân, tổ chức; về quy trình miễn nhiệm, từ chức và các chế tài kèm theo, chẳng hạn như việc ghi vào lý lịch cán bộ, đảng viên như thế nào? Việc phân công công tác sau miễn nhiệm, từ chức ra sao? Việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ sau miễn nhiệm, từ chức? Hoặc, có hay không việc một cán bộ từ chức vẫn có thể được đề cử vào một vị trí khác phù hợp hơn, nếu cán bộ từ chức do vị trí đương nhiệm không phù hợp năng lực chuyên môn dẫn đến hạn chế trong công tác của cán bộ.
* Đại tá Trần Công Anh, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5 (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang): Tính nhân văn trong quy định của Đảng
Tôi đồng tình rất cao với chủ trương của Đảng. Quy định số 41-QĐ/TW có tính kịp thời, cấp thiết trước tình hình thực tiễn hiện nay đối với cán bộ và công tác cán bộ. Đảng thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, nhằm siết chặt hơn nữa về kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, nhất là đối với người đứng đầu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Quy định lần này rất cụ thể, nêu rõ từng nội dung “miễn nhiệm, từ chức”.
Trong thời gian trước đây, vấn đề này cũng đã được các kỳ họp Quốc hội đưa ra, thảo luận, nhưng chưa thấy có cán bộ nào tự đánh giá về mình và xin “từ chức”. Lần này Bộ chính trị bàn hành quy định nhằm làm cho cán bộ có hướng phấn đấu rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, “tự soi” lại mình có đảm đương được chức trách, nhiệm vụ được giao hay không. Quy định mới lần này xác định rõ căn cứ về việc miễn nhiệm, từ chức mang tính bao quát các tình huống đặt ra trong thực tiễn; kịp thời động viên, khuyến khích để cán bộ chủ động từ chức. Một điểm mới nữa thể hiện tính nhân văn khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có chính sách động viên đối với cán bộ thôi giữ chức vụ, từ chức. Và cán bộ sau khi từ chức, nếu có nguyện vọng tiếp tục được bố trí công tác khác, sau thời gian phấn đấu, rèn luyện nếu cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định. Tôi thấy đây là tính nhân văn của Đảng.
* Bà Lưu Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu): Xây dựng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh
Qua nghiên cứu nội dung Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, tôi thấy đây là nội dung rất cần thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, từng bước xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là một tiến bộ về văn hóa của Đảng. Nói văn hóa của Đảng, bởi vì khi vào Đảng là tự nguyện chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, nhất là đối với cán bộ, những người được tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo. Nay nếu tự nguyện từ chức để cho Đảng được tốt hơn, vững mạnh hơn, chính là một phương thức ứng xử có văn hóa giữa cá nhân đối với tổ chức.
Việc thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý soi rọi bản thân về trách nhiệm cá nhân có xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm. Song, quy định đã nêu rõ nguyên tắc: “Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”, nguyên tắc này nhằm tránh tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm lại lợi dụng quy định để xin từ chức, giảm khuyết điểm của mình. Bên cạnh đó, Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm đã tránh được việc “vẽ đường cho hươu chạy”, qua đó ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
* Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1 phường Thuận Phước (quận Hải Châu): Hình thành văn hóa từ chức
Đây là lần đầu tiên quy định được ban hành với các tiêu chí rất rõ ràng. Ví dụ, quy định nêu bị khiển trách 2 lần trong nhiệm kỳ, hay cảnh cáo nhưng không đủ uy tín thì sẽ thực hiện xem xét miễn nhiệm hoặc từ chức. Lâu nay, cán bộ bị khiển trách, thậm chí bị cảnh cáo nhưng chức vụ vẫn không bị “lung lay”. Với việc ban hành quy định mới sẽ là thước đo cho mọi người tự soi mình để xin từ chức hay chấp nhận bị miễn nhiệm.
Quy định số 41-QĐ/TW cũng mở đường và việc thực hiện văn hóa từ chức dần trở nên bình thường nếu cán bộ không đủ năng lực hoặc không còn uy tín. Tôi tin, nếu thực hiện tốt Quy định số 41-QĐ/TW sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
NHÓM PV THỜI SỰ thực hiện