Tiếp thêm động lực cho nạn nhân chất độc da cam

.

Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021) gần đây mới được tiến hành. Mặc dù muộn nhưng cộng đồng vẫn dành cho nạn nhân chất độc da cam nhiều hình thức giúp đỡ nghĩa tình, trách nhiệm, qua đó tiếp thêm động lực giúp họ vượt qua nỗi đau, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố trao tiền hỗ trợ xây nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam ở quận Cẩm Lệ năm 2021.Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố trao tiền hỗ trợ xây nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam ở quận Cẩm Lệ năm 2021. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ông Huỳnh Xíu, 57 tuổi, nạn nhân chất độc da cam ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố vận động Tổng Công ty Khí Việt Nam hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa nhà. Ngôi nhà của ông Xíu nền thấp, mỗi khi trời mưa lại tất bật dọn đồ đạc để khỏi bị ướt. Ông và vợ làm nghề bán bánh mỳ, lời lãi chỉ mong đủ nuôi 2 con. Được hỗ trợ 30 triệu đồng, ông đầu tư nâng cao nền và sơn sửa lại các bức tường. Trong mấy trận mưa gần đây, nền nhà không còn bị cảnh nước tràn vào, cả gia đình ông ai cũng vui.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tối, 60 tuổi, ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), có con là nạn nhân chất độc da cam, hoàn cảnh khó khăn, cũng vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố vận động kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà. Người con của ông Tối đã 34 tuổi, sống vô thức. Hằng ngày, ông Tối phụ vợ bán quầy tạp hóa nhỏ, thu nhập ít ỏi. Vì vậy, khi được hỗ trợ tiền, ông đã thay mái tôn mới, quét vôi các bức tường khang trang và hoàn thành trong mùa hè năm 2021. “Sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố làm cho tôi cảm thấy ấm lòng, từ nay vợ chồng tôi tập trung lo làm ăn và chăm con, không còn nỗi khổ nhà dột nữa!”, ông Tối bộc bạch.

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa bàn thành phố nỗ lực vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; chú trọng các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe, trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện đi lại, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà. Mới đây, hội vận động các nhà hảo tâm trợ dưỡng thường xuyên cho 74 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng 200.000 đồng/người. Hội cũng vừa tổ chức chương trình trao tặng xe đạp và xe lăn cho học sinh con gia đình nạn nhân chất độc da cam nhằm giúp các em có phương tiện đến trường với tổng số 34 xe đạp và 42 xe lăn trao cho em vào đầu năm học 2021-2022.

Khi được nhận xe đạp, em Ngô Cẩm Duyên, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bá Phát (huyện Hòa Vang) xúc động nói: “Gia đình quá khó khăn nên với em chiếc xe đạp là ước mơ rất lớn. Giờ đây, việc di chuyển thuận tiện hơn, em sẽ mạnh dạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường”. Từng trường hợp được hội khảo sát, xét chọn công khai, dân chủ, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng và phù hợp với nhu cầu thực tế. Chỉ riêng dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, toàn hội vận động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam bằng nhiều hình thức với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, các nạn nhân chất độc da cam có nhu cầu về hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp với khả năng lao động và đặc điểm nơi cư trú đều được giải quyết. Đơn cử như ông Nguyễn Ngọc Vịnh ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đề xuất hỗ trợ 5 triệu đồng để mua sắm bàn ghế, mở dịch vụ bán nước giải khát tại nhà đã được hội giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Còn bà Lý Thị Xáo, mẹ của 2 nạn nhân chất độc da cam  Nguyễn Thị Thanh Như và Nguyễn Thị Hoàng Thục ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) được hỗ trợ xe nước mía theo nguyện vọng. Bà Xáo bày tỏ: “Tôi bán trứng vịt lộn kiếm sống, nay kết hợp bán nước mía để tăng thêm thu nhập, lo cho các con và cố gắng phấn đấu thoát nghèo”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm nhấn mạnh: “Bên cạnh việc hỗ trợ phương tiện sinh kế, hội luôn quan tâm hướng dẫn, trợ giúp, biểu dương, khích lệ các gia đình nạn nhân chất độc da cam nỗ lực vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.