Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 29 đến 31-12-2021 tại Hà Nội.
Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2021-2025), bản dự thảo Điều lệ Hội Nhà Báo Việt Nam khóa XI đã được soạn thảo, bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế báo chí hiện nay.
Sửa đổi để đáp ứng tình hình mới
Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X cho biết, từ cuối năm 2018, nhất là từ năm 2019, Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội đã khẩn trương làm việc, rà soát toàn diện và thảo luận dân chủ, chi tiết. Đến nay, bản dự thảo các điều cần sửa đổi, bổ sung cơ bản được hoàn chỉnh.
Theo nhà báo Mai Đức Lộc, vì một số lý do, Điều lệ Hội Nhà Báo Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do đó, lần sửa đổi, bổ sung Điều lệ khóa XI chủ yếu dựa vào Điều lệ của khóa IX được Chính phủ phê duyệt và có tham khảo bản Điều lệ Đại hội lần thứ X đã thông qua. Trên cơ sở đó, Tiểu ban đã tiến hành rà soát chi tiết các nội dung của dự thảo Điều lệ, sau đó nhiều lần xin ý kiến Thường trực, Đảng đoàn, Ban Thường vụ và tổ chức lấy ý kiến của các cấp hội trong cả nước, đặc biệt tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan báo chí liên quan, ý kiến của các cơ quan Trung ương như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và đặc biệt là lấy ý kiến của các nhà báo lão thành và các đồng chí nguyên lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ. Dự thảo đã được báo cáo với Ban chấp hành 3 lần và sau khi tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các cấp cũng như của các đồng chí tham gia, Tiểu ban đã sửa đổi, hoàn chỉnh Dự thảo Điều lệ, tiếp tục trình Ban chấp hành trong Hội nghị Ban chấp hành thứ 16 của khóa X và thống nhất Dự thảo này để trình cho Đại hội khóa XI xem xét, quyết định.
Cũng theo nhà báo Mai Đức Lộc, trong Dự thảo Điều lệ Hội lần này có rất nhiều điểm sửa đổi, bổ sung. Ngoài những vấn đề có tính kỹ thuật, bố cục... có tất cả 19 điểm đề nghị sửa đổi, bổ sung quan trọng. Quan điểm cơ bản nhất của việc sửa đổi lần này, trước hết là xuất phát từ sự phát triển của báo chí Việt Nam, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, của khoa học công nghệ, của thị hiếu thông tin và của công chúng báo chí. Do đó, các hoạt động của báo chí, hoạt động của Hội đòi hỏi phải có sự phát triển để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải đáp ứng được các yêu cầu đó. Đơn cử như về mặt số lượng, hội viên Hội Nhà báo trước đây khoảng 15.000 hội viên, đến nay đã có gần 27.000 hội viên, số lượng hội viên, tổ chức Hội tăng, chất lượng của hội viên cũng phải tăng lên. Vậy việc bảo đảm khuôn khổ để cho hội viên hoạt động đúng tôn chỉ, hiệu quả đòi hỏi cũng phải có hình thức tổ chức, tập hợp mới.
Khẳng định tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội
Điều lệ Hội của khóa XI dự kiến sẽ có 10 chương, 38 điều. Trong đó, khẳng định nội dung quan trọng nhất là tính chất chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định vai trò của hội viên Hội nhà báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…
Trong đó, nhiều điểm quan trọng Dự thảo lần này đề nghị Đại hội khóa XI bổ sung, sửa đổi như trong phần về quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam lần này có nội dung rất đáng quan tâm như đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp bộ, ban, ngành có liên quan về chủ trương, chính sách và cơ chế phát triển sự nghiệp báo chí; tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng, Nhà nước về chỉ đạo, quản lý báo chí, hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật, đặc biệt là ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Ngoài ra, về nhiệm vụ, cũng có một số điểm bổ sung mới, rất quan trọng như: Hội Nhà Báo Việt Nam tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin, báo chí, truyền thông; tham gia ý kiến chỉ đạo và quản lý hoạt động báo chí... Phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với báo chí và người làm báo. Dự thảo Điều lệ lần này đề nghị thêm nội dung quan trọng là phối hợp thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, tham gia xét khen thưởng, xử lý vi phạm của cơ quan báo chí và người làm báo theo như Luật Báo chí quy định… Theo nhà báo Mai Đức Lộc, những nội dung này là những điểm mà Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ hết sức quan tâm, coi trọng nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của Hội nhà báo Việt Nam.
Bên cạnh đó, do tình hình phát triển báo chí có sự thay đổi, dự thảo Điều lệ có sự thay đổi. Chẳng hạn như thời gian kết nạp hội viên sẽ rút xuống còn 2 năm. Tiêu chuẩn về kết nạp hội viên trước đây chỉ có “không vi phạm pháp luật” nhưng lần này nói rõ là không vi phạm Luật Báo chí, không vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm các quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam… Về nhân sự, bổ sung thêm nội dung: Nếu một Ủy viên tham gia Ban chấp hành mà chưa hết nhiệm kỳ đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục tham gia cho đến hết nhiệm kỳ với điều kiện phải bảo đảm các quy định và có sự đồng ý của cấp trên, được cơ quan đó đồng ý. Tuổi tham gia Ban chấp hành, phải bảo đảm lần đầu là 2 nhiệm kỳ hoặc tối thiểu là 60 tháng. Tái cử, về nguyên tắc nếu còn hưởng lương ngân sách thì phải thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, đã nghỉ hưu thì phải bảo đảm thực hiện theo quy định số 58 của Ban Bí thư về độ tuổi tái cử của lãnh đạo chủ chốt. Những điều đó, trước đây không được quy định cụ thể nhưng lần này được phản ánh trong dự thảo Điều lệ một cách cụ thể.
Về vấn đề phóng viên thường trú, trước đây từng nhắc đến nhưng chưa có nội dung cụ thể. Dự thảo lần này quy định cụ rõ hơn, ngoài việc sinh hoạt tại Liên Chi hội của cơ quan chủ quản, hội viên đang tác nghiệp tại các địa phương phải có trách nhiệm tham gia sinh hoạt với các hội nhà báo địa phương nơi mà mình đang làm việc. Một vấn đề có tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo ở địa phương là biên chế và tài chính, dự thảo đề nghị Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có văn phòng và nhân sự chuyên trách công tác hội. Nhấn mạnh điểm này ngoài việc bảo đảm điều kiện hoạt động còn một khía cạnh khác nữa là sự tồn tại tương đối độc lập của Hội Nhà báo ở các địa phương…
Nhà báo Mai Đức Lộc cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong Điều lệ phần lớn đều hướng đến quyền lợi, lợi ích của hội viên đặc biệt là sự thống nhất về mô hình tổ chức, quyền hạn, vấn đề sinh hoạt hội viên tại địa phương… trong đó Điều lệ xác định Hội Nhà báo Việt Nam mà tính chất cơ bản là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Nhà báo Mai Đức Lộc cho biết, bản cuối cùng của Dự thảo Điều lệ lần này đã trình các cơ quan có thẩm quyền. “Tôi tin rằng, nếu như lần này bản Điều lệ được Đại hội thông qua, được cấp thẩm quyền phê duyệt, sẽ là một yếu tố hết sức thuận lợi đối với các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển mới. Do đó, hoạt động của Hội Nhà báo, của cá nhân mỗi nhà báo cũng phải có sự tự hoàn chỉnh bản thân hơn nữa để bắt nhịp với bối cảnh mới, xu hướng mới, để báo chí thức sự là ‘bộ mặt tinh thần’ của xã hội”, nhà báo Mai Đức Lộc chia sẻ.
Theo Báo Tin Tức