Để đối phó hiệu quả với chủng Omicron

.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Chúng ta đã chứng kiến biến chủng Delta nguy hiểm đến mức nào. Số người nhiễm, tử vong đã tăng mạnh, dù Việt Nam được coi là nước phòng, chống dịch rất tốt ở hai đợt bùng phát dịch vừa qua. Với những diễn biến phức tạp của Covid-19, cả thế giới đã tiên liệu sẽ còn phải đương đầu với những biến chủng mới, nên biến chủng Omicron không phải là bất ngờ. Vấn đề thích ứng, chuyển trạng thái và đương đầu hiệu quả với  biến chủng mới, vẫn là thách thức rất lớn với các quốc gia.

Rõ ràng, công cuộc chống dịch hiện nay đã ở một trạng thái mới, đòi hỏi phải điều chỉnh những phương thức mới để vừa bảo đảm an toàn, vừa mở ra cơ hội kích cầu phát triển các lĩnh vực, nhất là du lịch. Các quốc gia đều xác định không thể “ngăn sông, cấm chợ”, thay vào đó phải tiếp tục hòa nhập dòng chảy thế giới. Vấn đề là, tự thân khâu kiểm soát nhập cảnh vẫn phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việt Nam vừa cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Giai đoạn này có 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Kết quả đáng mừng, lượng khách quốc tế đã tăng từ tháng 11. Thông tin do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-11 cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 15.000 lượt người, tăng 42,4% so với tháng 10. Những chỉ số đó đã truyền không ít cảm hứng cho các lĩnh vực khác.

Xét ở phạm vi nhỏ hơn, giữa các tỉnh, thành phố, cũng cần phải làm tốt hơn nữa khâu kiểm soát việc đi, đến giữa các địa phương. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khi các địa phương kiểm soát người về từ các tâm dịch không phải nơi nào cũng chặt chẽ như nhau. Bằng chứng, hiện không ít “xóm thôn” trên cả nước đang rối bời khi dịch đã về quê, làm đảo lộn nhịp sống, đặc biệt sự an toàn. Nhưng, chúng ta có thể cảm nhận là kỹ năng ứng phó với dịch đang tốt lên. Các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái bình thường, chủ động sống chung với dịch. Các lĩnh vực và mỗi cá nhân đều không còn tâm thế “sợ hãi”, thay vào đó sẵn sàng “đối đầu” Covid-19. Đấy là kết quả của cả một quá trình dài tích lũy kinh nghiệm chống dịch của cả hệ thống chính trị. Là nỗ lực của Chính phủ trong việc phủ rộng vắc-xin đến toàn dân. Tất nhiên, có cả những bài học, mồ hôi lẫn nước mắt đổ xuống để bồi đắp màu xanh hy vọng.

Điều quan trọng nữa, ngoài lượng vắc-xin mua và hỗ trợ từ nước ngoài, Việt Nam đã bắt đầu tự sản xuất vắc-xin. Trong chuyến công du Thụy Sĩ vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva và có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus. Dự buổi làm việc này còn có Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen. Tổng Giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc-xin, đồng thời cho biết sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vắc-xin do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.

Như vậy, cơ hội để tất cả người dân được tiêm vắc-xin đã đến rất gần, mở ra cơ hội thực sự chủ động sống chung với các biến chủng của Covid-19. Tất nhiên, trong cả một quá trình dài chống dịch, vẫn còn đó bài học lớn: phải chủ động, không được phép lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Cùng cả nước, Đà Nẵng đã là một trong những điểm sáng về thích ứng, đối phó với Covid-19. Thành phố xinh đẹp bên sông Hàn đang dần trở lại trạng thái “an toàn, đáng sống” như vốn có!

THẢO UYÊN

;
;
.
.
.
.
.