Năm 2021, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) và các cấp Công đoàn thành phố đồng hành thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo đời sống người lao động, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố (thứ ba, từ phải sang) cùng lãnh đạo Quận ủy, Liên đoàn Lao động quận Hải Châu trao quà hỗ trợ cho người lao động tại khu vục phong tỏa, cách ly phường Thuận Phước, quận Hải Châu. |
Sát cánh cùng thành phố và doanh nghiệp
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng, một số doanh nghiệp xuất hiện F0 và hàng nghìn F1, F2. Trước tình hình đó, LĐLĐ thành phố và các cấp Công đoàn chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp, người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với nhiều hình thức phong phú như: đăng tải thông tin trên website và các mạng xã hội, tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực phản ánh chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở nhằm bảo đảm “năng suất cao” và “thu nhập tốt”, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và chăm lo, hỗ trợ đời sống đoàn viên, người lao động.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, các cấp Công đoàn thành phố chủ động, phối hợp, vận động chủ doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch tại nơi sản xuất, có các biện pháp cụ thể bảo vệ người lao động, nhất là thời gian thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách. “LĐLĐ thành phố thành lập tổ công tác chuyên đề về phòng, chống dịch; chỉ đạo Công đoàn ngành, quận, huyện thành lập nhóm “Cán bộ Công đoàn” để thực hiện chế độ thông tin hai chiều, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong bối cảnh phải giãn cách để chống dịch. Các cấp Công đoàn cử cán bộ tham gia tổ Covid-19 tại doanh nghiệp. Qua các hoạt động, vai trò cán bộ Công đoàn cơ sở thể hiện rõ nét, được người lao động và người sử dụng lao động đánh giá cao”, ông Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Nguyễn Thành Trung cho biết, bên cạnh thông tin, tuyên truyền, đơn vị phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 315 doanh nghiệp. Qua đó, triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19; chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, kịch bản, phương án phòng, chống Covid-19 tại đơn vị, xét nghiệm 3 ngày/lần cho 100% người lao động theo quy định.
“Trong những tháng cuối năm 2021, dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt là các ca nhiễm trong cộng đồng, các trường hợp F0 là công nhân vừa trở lại sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Ban Thường vụ Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp chủ động đề ra các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp trong phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình mới”, ông Trung chia sẻ.
Chia sẻ khó khăn với người lao động
Song song với công tác phối hợp phòng, chống dịch, các cấp Công đoàn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động ảnh hưởng Covid-19. Thực hiện Quyết định 1921/TLĐ-QĐ ngày 12-1-2021, LĐLĐ thành phố đã hỗ trợ 2.310 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn vì Covid-19 và bão lụt trong năm 2020 với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn; thăm, hỗ trợ 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 với kinh phí 250 triệu đồng.
Đặc biệt, trong đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố ban hành nhiều kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động. Theo đó, tổ chức các đoàn thăm hỏi, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; thăm tặng quà động viên gia đình của đội ngũ y, bác sĩ; hỗ trợ y, bác sĩ đi tăng cường phía Nam, thăm hỏi động viên nhân viên y tế; tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch, Ban điều hành các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ... Ngoài ra, vận động đoàn viên đóng góp Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, ủng hộ Chương trình vắc-xin cho công nhân. Tổng kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của toàn hệ thống Công đoàn thành phố trong năm 2021 là trên 41 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Minh cho rằng, việc chia sẻ khó khăn, chăm lo đời sống người lao động là việc làm cốt lõi của tổ chức Công đoàn, cùng thành phố thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Các cấp Công đoàn sát cánh cùng đoàn viên và doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ”, với 115 đơn vị và 37.689 lao động; có 103 đơn vị với 2.570 người lao động thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đến nay đã giải ngân 8,11 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn cho 8.110 lao động.
Cũng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó”, xác định người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, LĐLĐ thành phố nhanh chóng thành lập đường dây nóng “Cán bộ Công đoàn”. Đã có hàng trăm cuộc gọi của người lao động gọi đến để nhờ tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ. Thông qua đó, đã có 394 suất quà, chủ yếu là nhu yếu phẩm, với tổng số tiền 197 triệu đồng được trao kịp thời đến người lao động trong lúc cấp bách nhất.
Không chỉ chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố, LĐLĐ thành phố còn hướng đến người lao động khó khăn trong cả nước. Đó là việc tổ chức chương trình “Nghìn lít xăng miễn phí” cho công nhân lao động các tỉnh phía Nam về quê đi ngang qua thành phố Đà Nẵng. “Chúng tôi không phân biệt người lao động ở đâu, chỉ cần biết họ vất vả, cần sự sẻ chia, Công đoàn thành phố sẵn sàng giang tay giúp đỡ. Chương trình “Nghìn lít xăng miễn phí” ra đời với ý nghĩa nhân văn ấy và đã hỗ trợ 10.000 lít xăng, đồng thời phối hợp tổ chức các chuyến xe, hỗ trợ tiền thuê xe đưa công nhân lao động về quê”, ông Nguyễn Duy Minh cho biết.
PHAN HÀ