Chính trị - Xã hội
Hiệu quả trong điều động, luân chuyển cán bộ ở cơ sở: Bài cuối: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Việc điều động, luân chuyển cán bộ ở quận, huyện gắn liền với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có “tâm” và “tầm”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Sau khi được điều động về làm Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), bà Nguyễn Thị Hải Vân đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy địa phương nhanh chóng thiết lập các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Bà Nguyễn Thị Hải Vân (thứ 2 bên trái) thăm và động viên các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát Covid -19 tại khu dân cư (ảnh chụp tháng 8-2021). Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Tăng nguồn lực cho cơ sở
Thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Quận ủy Ngũ Hành Sơn thống nhất đề nghị bổ nhiệm chức danh chủ tịch UBND quận, phó chủ tịch UBND quận nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 3 cán bộ; bổ nhiệm 12 cán bộ giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Trần Văn Thích, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho rằng, mục đích công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyên cán bộ nhằm kiện toàn, bổ sung các vị trí chức danh còn khuyết theo quy định; sắp xếp, bố trí cán bộ để thực hiện theo các chủ trương về công tác cán bộ của Trung ương, Thành ủy; tăng cường bố trí cán bộ nữ vào vị trí chủ chốt ở cơ sở; phân công, bố trí, chuyển đổi vị trí công tác để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và có thời gian công tác lâu năm tại cơ quan, đơn vị, từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín…
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Tân, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hải Châu cho rằng, điều động, luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, vì vậy, Ban Thường vụ Quận ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác điều động, luân chuyển cán bộ từ quận về cơ sở và ngược lại. Cách làm này không chỉ khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ mà còn giúp nhiều địa phương tháo gỡ khó khăn; góp phần đào tạo, rèn luyện thử thách, giúp cán bộ trưởng thành hơn trong thực tiễn và củng cố, kiện toàn, tăng cường nguồn lực, chất lượng đội ngũ cán bộ ở địa phương.
“Tất cả cán bộ sau khi luân chuyển đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện, bám sát cơ sở, đóng góp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, giúp cơ sở tháo gỡ những vướng mắc, thoát khỏi tình trạng yếu kém. Một số cán bộ sau điều động, luân chuyển trưởng thành hơn. Từ đó, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn, năng lực quản lý, phát huy vai trò, trách nhiệm và được bố trí vị trí cao hơn, có những cán bộ được bổ sung tham gia Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND quận”, ông Tân khẳng định.
Lựa chọn cán bộ gắn với đào tạo, đánh giá
Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Liên Chiểu cho biết, trong công tác cán bộ, Quận ủy Liên Chiểu chỉ đạo các ngành, các cấp ủy Đảng chú trọng quy hoạch những cán bộ trẻ, cán bộ nữ, những người được đào tạo cơ bản, cũng như dựa trên năng lực, sở trường của từng cán bộ để bố trí cho phù hợp với từng địa phương.
“Lãnh đạo quận xác định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn liền với công tác quy hoạch, điều động, đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng đơn vị, và địa phương. Đầu năm 2021 đến nay, quận Liên Chiểu đã điều động 10 cán bộ chủ chốt từ quận về phường, từ phường lên quận và từ phường này sang phường khác. Các quyết định luân chuyển được triển khai đúng quy trình, quy định, dân chủ, công khai và nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Chương cho hay.
Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã thực hiện luân chuyển, điều động 12 cán bộ, trong đó 6 cán bộ được luân chuyển từ huyện về xã và 6 cán bộ từ xã lên huyện để giữ chức danh chủ chốt tại cơ sở cũng như các phòng, ban. Đây đều là những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện quản lý hoặc nằm trong quy hoạch chức danh lãnh đạo xã, phòng, ban cấp huyện. Đội ngũ này được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, là nguồn lực quan trọng, chất lượng cho địa phương.
Ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, huyện Hòa Vang đặc biệt chú trọng công tác đánh giá, sử dụng hiệu quả cán bộ, từ đó lựa chọn các cán bộ có năng lực, triển vọng để thực hiện việc điều động, luân chuyển nhằm tạo điều kiện cho mỗi người có cơ hội trải qua thực tiễn ở cơ sở và các đơn vị, trong lĩnh vực công tác khác nhau, giúp cán bộ bổ sung kiến thức, trau dồi bản lĩnh, chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm và năng lực thực tiễn ở nhiều lĩnh vực để tiếp tục bố trí các vị trí cao hơn sau điều động, luân chuyển.
Qua ghi nhận việc điều động, luân chuyển đội ngũ từ quận, huyện về cơ sở cho thấy, đa phần cán bộ nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc mới, nắm bắt những bất cập, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó, cùng với cấp ủy địa phương đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Bên cạnh đó, việc điều động, luân chuyển còn làm thay đổi tư duy và nhận thức của đại đa số cán bộ cơ sở ở một số nơi còn tồn tại tình trạng “cục bộ, bè cánh”.
Ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang cho hay, nhiều cán bộ sau khi về cơ sở công tác đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhân dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng quê thay đổi rõ rệt, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho rằng, để làm tốt công tác cán bộ, trước hết việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành; kết hợp hài hòa giữa luân chuyển, điều động với ổn định đội ngũ và phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ cần phải bảo đảm tiêu chuẩn, đúng sở trường, chuyên ngành đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm của mỗi người.
Cùng quan điểm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định, việc luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Tại quận Thanh Khê, công tác luân chuyển cán bộ, đặc biệt là từ quận về cơ sở trong thời gian qua được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Thông qua việc luân chuyển giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, tạo điều kiện để cán bộ thuộc diện quy hoạch rèn luyện từ môi trường thực tiễn.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy, thời gian qua, việc luân chuyển, điều động cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”, tạo hiệu quả tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như tăng cường nguồn lực cho cơ sở. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, mỗi địa phương cần có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ khoa học, công tâm; tiến hành đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng kế hoạch luân chuyển chu đáo với lộ trình cụ thể, mang tính ổn định và thực hiện đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó cần có chế độ, chính sách hợp lý, thỏa đáng đối với cán bộ được luân chuyển và điều động, thường xuyên quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy, những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác cán bộ gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, nên chất lượng cán bộ được điều động, luân chuyển từ quận, huyện về xã, phường, xã được nâng lên rõ rệt. Mỗi cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên toàn địa bàn thành phố.
TRỌNG HÙNG