Chính trị - Xã hội

Vì một Đà Nẵng xanh

08:49, 21/12/2021 (GMT+7)

Đà Nẵng bước sang tuổi 25 sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ chú trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn quan tâm yếu tố môi trường để hướng tới phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các kiểm lâm viên và đồng bào dân tộc Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và thôn Ka Dong, xã Tư (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có hơn 1 tháng ở rừng để bảo vệ những rừng ươi chín trong năm 2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các kiểm lâm viên và đồng bào dân tộc Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và thôn Ka Dong, xã Tư (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có hơn 1 tháng ở rừng để bảo vệ những rừng ươi chín trong năm 2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát triển rừng và trồng thêm cây xanh

Vào rừng Cà Nhông, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều khoảnh rừng gỗ kiền kiền hàng chục năm tuổi, thậm chí có cây hơn trăm tuổi cao sừng sững, thân to mấy người ôm... đang được bảo vệ, giữ gìn. Càng ngạc nhiên và vui mừng hơn khi ở tiểu khu 39 của rừng Cà Nhông và các tiểu khu 34, 47 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa mới xuất hiện các đàn voọc chà vá chân nâu, nữ hoàng linh trưởng và đang được Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa bảo vệ tốt.

Đáng chú ý, theo Chi cục Kiểm lâm thành phố, bên cạnh voọc chà vá chân nâu, có 2 loài động vật mới của Việt Nam đang ở hai khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà - Núi Chúa. Những năm qua, tỷ lệ che phủ rừng của Đà Nẵng tăng dần qua từng năm, hiện đã đạt 47,21%, cao hơn tỷ lệ che phủ rừng bình quân cả nước (42,01%) đến 5,2%.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng Phan Thế Dũng nhìn nhận, ngành lâm nghiệp thành phố đã triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, các chương trình, đề án, dự án, phong trào bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển kinh tế, tạo sức sống mới cho khu vực nông thôn, miền núi. Nhiều khu đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh... Hiện ngành lâm nghiệp thành phố đang nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu duy trì độ che phủ rừng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là tập trung bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, quy hoạch và triển khai trồng 362ha rừng phòng hộ ven biển...

UBND thành phố cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ với mục đến hết năm 2025, thành phố huy động 202,7 tỷ đồng để trồng 5,017 triệu cây xanh tập trung và phân tán các loại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Tăng công viên, xây dựng đô thị sinh thái

Trong nỗ lực tiếp tục khẳng định thương hiệu thành phố đáng sống, ngày 2-4-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu để hướng đến xây dựng đô thị sinh thái vào năm 2030, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng...

Theo đó, đề án đặt ra 31 tiêu chí, gồm: phấn đấu đến năm 2030 có từ 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo giảm 5-7%, giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng; bảo đảm duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, bảo đảm bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt 9m2/người... Đề án cũng đề ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 15.546 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân bày tỏ: “Với đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đang xây dựng, phấn đấu trở thành thành phố môi trường một cách hoàn hảo với nhiều tiêu chí và còn đặt ra mục tiêu trở thành đô thị sinh thái. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước với chủ trương hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đặt ra các mục tiêu và yêu cầu chất lượng môi trường đất, nước, không khí phải được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng. Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố luôn không ngừng nỗ lực, kiên định mục tiêu nhất quán là cải thiện tối đa môi trường sống của người dân; đóng góp tích cực cho diện mạo mới của một đô thị hiện đại, văn minh và tạo nền tảng vững chắc bảo đảm sự phát triển thành phố bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt, thành phố đang triển khai lập đồ án quy hoạch phân khu, trong đó chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân như: tăng cường không gian xanh, khuôn viên, công viên vui chơi giải trí, nhà sinh hoạt cộng đồng… theo đúng quy chuẩn và mục tiêu hướng đến một thành phố đáng sống, thành phố môi trường phát triển bền vững. 

HOÀNG HIỆP

.