Nhiều đề xuất, hiến kế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giai đoạn mới

.

ĐNO - Tại tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng” tổ chức sáng 28-12, nhiều đại biểu đánh giá cao sự phát triển vượt bật về kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua; đồng thời hiến kế, đề xuất nhiều giải pháp phát triển thành phố trong thời gian tới, nhất là khôi phục du lịch, quy hoạch đô thị, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng lãnh đạo thành phố chủ trì tọa đàm. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng lãnh đạo thành phố chủ trì tọa đàm. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 khẳng định, 25 năm qua, với vị thế độc lập của thành phố trực thuộc Trung ương và vai trò trung tâm phát triển vùng, thành phố Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ, làm một cuộc “đổi đời” đúng nghĩa. 

PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn chứng: Năm 2019 so với năm 1997, GRDP của thành phố tăng 8 lần; GRDP/người tăng 8,3 lần; đóng góp thu ngân sách tăng 23 lần; khách du lịch đến tăng gần 55 lần... “Đó là những con số - thành tích thật sự ấn tượng. 25 năm qua, không nhiều địa phương đạt được thành tích tương tự”, ông Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 phát biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ - L.P
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Có được kết quả trên, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra 5 bài học Đà Nẵng đã thực hiện được. Đó là Đà Nẵng đã nhận diện đúng xu thế thời đại (thị trường - mở cửa - hội nhập quốc tế) và lợi thế tự nhiên mang tính tiềm năng của mình, kết hợp lại với nhau để tạo thành sức mạnh cộng hưởng mới. Đặc biệt là nghệ thuật “mượn sức” để phát triển.   

Năm 1997, thành phố có xuất phát điểm thấp. Sự trỗi dậy đáng tự hào sau 25 năm của thành phố có công lao đóng góp quyết định của lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, với sự “tiên phong dẫn dắt” của các doanh nghiệp lớn - những nhà đầu tư chiến lược. Sungroup, Vingroup, Vietjet, BRG, Mường Thanh… là những cái tên đại diện cho lực lượng doanh nghiệp đó.

Cơ cấu ngành du lịch để phục hồi, phát triển tương xứng với vị thế thành phố 

Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, đứng từ góc độ du lịch, Đà Nẵng đã có những bước phát triển “thần kỳ” với tốc độ tăng trưởng về khách du lịch giai đoạn 1997-2019 đạt 25,8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước cùng giai đoạn là 18,6%/năm. 

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ
PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nếu như năm 1997, thành phố đón được 370.000 lượt khách, trong đó 111.000 lượt khách quốc tế; thu nhập từ du lịch đạt 529 triệu đồng; số phòng khách sạn là 3.830 và số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch là 5.750 người. Đến năm 2019, các con số tương ứng là 8.692.400 lượt khách (3.523.000 lượt khách quốc tế), thu nhập từ du lịch đạt 30.973 tỷ đồng.

Từ một ngành được xem là “phục vụ”, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Năm 2019, đóng góp của du lịch vào GRDP là 31,4% (tương đương 30.973 tỷ đồng), trong đó đóng góp từ thu trực tiếp là 14.568 tỷ đồng, đạt 13,63%, thu gián tiếp 16.405 tỷ đồng, đạt gần 18%. Đặc biệt, từ một điểm “trung chuyển” du lịch, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ trong nước mà còn của khu vực và quốc tế.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, PGS.TS. Phạm Trung Lương cho rằng, việc phát triển du lịch trong giai đoạn 2022-2025 sẽ phải đối diện với những khó khăn không nhỏ để phục hồi tăng trưởng du lịch, trước hết là tăng trưởng về khách. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội thành phố thực hiện việc cơ cấu lại ngành du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với vị thế của thành phố trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. 

Đầu tư phát triển quy hoạch, hướng đến đô thị đáng sống  

Theo TS. Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, quy hoạch luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn của một thành phố. Đặc biệt, với thành phố Đà Nẵng, một bản quy hoạch tốt sẽ là bệ phóng để thành phố có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

TS. Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nguyên cứu Quy hoạch và Phát triển phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
TS. Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nguyên cứu Quy hoạch và Phát triển phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố định hướng trở thành thành phố đáng sống. Định hướng này phải bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược dài hạn; phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn, chiến lược, định hướng phát triển của thành phố trở thành đô thị đáng sống, có giá trị trường tồn, có vị trí cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

TS. Đặng Huy Đông cho biết, một thành phố đáng sống của thế kỷ XXI được xem xét và đánh giá trên 8 yếu tố cơ bản, gồm: khí hậu thời tiết; hiện tượng tự nhiên bất thường; an ninh, an toàn cá nhân; chính trị và chất lượng không khí; dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ; nhà ở và tiện ích công cộng đầy đủ với chi phí hợp lý, nhà ở đa dạng, phù hợp nhu cầu của các tầng lớp cư dân; tiếp cận với mạng lưới xã hội và giải trí; kết cấu hạ tầng đô thị. Thành phố Đà Nẵng cơ bản đáp ứng được 4 yếu tố đầu tiên.

Để đạt được 4 yếu tố còn lại, thành phố cần định hướng quy hoạch xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: bảo tồn tự nhiên, di tích lịch sử; xây dựng các khu đô thị chung cho mọi tầng lớp cư dân đa dạng thu nhập, lứa tuổi và quy hoạch dùng chung các dịch vụ, tiết kiệm đất đai, giảm chi phí cá nhân; đô thị dành cho người đi bộ và xe đạp, ít ô-tô cá nhân; tăng kết nối, tăng mật độ đường, tăng diện tích mặt tiền cho các dịch vụ mua sắm thương mại; ưu tiên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng như: tàu điện ngầm, xe buýt; có các phân khu đầy đủ dịch vụ tiện ích cuộc sống cho dân cư theo mô hình đô thị nén. 

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế

Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng kiến nghị một số việc thành phố cần làm để chủ trương “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đã nêu rõ tại hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng phát biểu tham luận. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng phát biểu tham luận. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Theo ông Bùi Văn Tiếng, muốn phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo nói chung, từ trường học nói riêng. Trường học phải trở thành nơi trao truyền văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác. 

Đồng thời cũng là thành trì để bảo tồn văn hóa. Muốn làm được điều đó, ngành giáo dục và đào tạo cần ưu tiên đầu tư đào tạo người thầy, đào tạo nguồn nhân lực ngành giáo dục có chất lượng cao. 

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế. Nghĩa là cả ba lĩnh vực văn hóa, xã hội và kinh tế đều đạt mức phát triển tối đa, đều dựa vào nhau và thúc đẩy lẫn nhau để cùng phát triển. Trong phát triển kinh tế cần tránh lối tư duy tình thế, tạo ra sản phẩm văn hóa “mì ăn liền”. Bên cạnh đó, có lúc, có khi kinh tế phải nhường bước cho văn hóa - xã hội.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó quy định chi tiết 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, trong 12 ngành ấy, thành phố hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh trên các lĩnh vực kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, nhất là lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và truyền hình và phát thanh; đồng thời kiến nghị cần có kế hoạch phát huy các lợi thế để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.

NGỌC PHÚ - LAM PHƯƠNG

 
;
;
.
.
.
.
.