Những năm qua, các cấp hội phụ nữ không chỉ đồng hành với thành phố triển khai, thực hiện các chương trình an sinh xã hội mà còn có nhiều cách làm sáng tạo, độc đáo, tạo nên thương hiệu riêng cho phụ nữ Đà Nẵng.
Phụ nữ xã Hòa Tiến tham gia chương trình phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh : T.S |
Những sắc màu yêu thương
Trong chuyến công tác đến Đà Nẵng vào trung tuần tháng 11-2021, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Bùi Thị Hòa nhận xét, hầu hết các chương trình an sinh xã hội của phụ nữ từ cấp thành phố đến phường, xã đều gắn chữ "yêu thương". Đây là điều khá độc đáo, thú vị và đầy tính nhân văn.
Những chương trình như "Phụ nữ Đà Nẵng - yêu thương san sẻ", "Vạn phần quà yêu thương", "Chia sẻ yêu thương", "Những sắc màu yêu thương"... trở thành cầu nối giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và phụ nữ để kịp thời sẻ chia khó khăn với người dân. Một số chương trình khác như "Đi chợ giúp dân", "3 biết, 3 hỗ trợ"... cũng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức hội với hội viên, kịp thời giúp người dân lúc khó khăn. Đây là những chương trình cần nhân rộng để cả nước học tập, làm theo.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ: "Khi xây dựng các chương trình, chúng tôi hoàn toàn không có suy nghĩ gắn từ "yêu thương" vào. Thế nhưng, khi bàn bạc, nhiều ý kiến mong muốn có từ này vì như thế phản ánh tình cảm gửi gắm của mình. Có lẽ xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm đó mà tất cả các chương trình chúng tôi phát động luôn đạt kết quả tốt.
Đơn cử như chương trình "Đi chợ giúp dân", phải thực hiện trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng có hơn 6.000 chị em tham gia, nhận gần 500.000 đơn đi chợ với số tiền 106 tỷ đồng. Cực khổ, vất vả, nguy hiểm, nhưng vì bà con, cán bộ hội, hội viên phụ nữ vẫn tham gia rất nhiệt tình. Trong 5 năm qua, nhờ những chương trình "yêu thương" như vậy mà các cấp hội phụ nữ kịp thời trao hàng trăm ngàn phần quà đúng địa chỉ, hoàn cảnh".
Với mong muốn có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, yếu thế, các cấp hội phụ nữ thành phố luôn chủ động phối hợp nhiều địa phương, cơ quan chức năng chặt chẽ và hiệu quả. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố, giai đoạn 2016-2020, đơn vị giải ngân hơn 1.982 tỷ đồng cho 53.758 khách hàng nữ vay.
Song song đó, Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp NHCSXH tổ chức gần 300 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý vốn, quy trình giải ngân, lập dự án sản xuất... cho hàng chục ngàn phụ nữ. Đây là bệ đỡ vững chắc cho phụ nữ phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) với mô hình sản xuất đá mỹ nghệ Non nước; phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) với mô hình trồng rau sạch; mô hình trồng cây cảnh ở phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu); HTX gà Nhơn Phú ở xã Hòa Nhơn, nghề nuôi chim cuốc ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang)... được triển khai thành công, tạo hàng vạn việc làm ổn định cho chị em, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội của thành phố.
Chung tay giúp đỡ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn
Bà Huỳnh Thị Hiếu, ở thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) - người được vay gần 40 triệu đồng trồng nấm - cho biết, cái khó của phụ nữ làm kinh tế là vốn và kiến thức chuyên môn. Sự phối hợp giữa NHCSXH và Hội LHPN xã Hòa Tiến giúp bà tháo gỡ cả hai vướng mắc này, nhờ vậy hơn 3 năm nay, kinh tế gia đình bà cải thiện rõ rệt.
Chị em phụ nữ trao mũ chống giọt bắn và những suất ăn nghĩa tình cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THANH TÌNH |
Thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố cũng hết lòng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, yếu thế. Thông qua các chương trình "4 an", "5 không", "3 có" hay đề án phát triển thị trường lao động..., giữa hai bên luôn có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Từ năm 2015 đến 2020, trong số hơn 330.000 người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì phụ nữ chiếm hơn 51,5%; trung bình mỗi năm có hơn 31.000 phụ nữ kiếm được việc làm. Những con số ý nghĩa này thể hiện sự chung tay thực hiện mục tiêu "có việc làm", góp phần ổn định kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, phụ nữ yếu thế, cái "bắt tay" giữa hai đơn vị giống như những chiếc phao cứu sinh đúng lúc.
Với sự đề xuất từ Hội LHPN thành phố, Sở LĐ,TB&XH tham mưu thành phố triển khai chương trình trợ cấp hằng tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng cho nhóm phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo; 300.000 đồng/người/tháng dành cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ hộ nghèo không còn sức lao động; hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế cho nhóm phụ nữ nghèo, thoát nghèo 5 năm và hỗ trợ 70% phí bảo hiểm y tế cho phụ nữ cận nghèo theo chuẩn thành phố; hỗ trợ 100% các chi phí khám, chữa bệnh cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị bệnh hiểm nghèo...
Nhận xét về công tác an sinh xã hội của các cấp hội phụ nữ thành phố, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng (từ năm 1987 đến 1997) Nguyễn Thị Vân Lan bày tỏ sự vui mừng khi các cấp hội phụ nữ qua các thời kỳ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
"Các cấp hội phụ nữ những năm gần đây có nhiều cách làm đột phá, độc đáo, chân thành, hiệu quả. Xuất phát từ cái tâm ấy, cán bộ phụ nữ thành phố mới nghĩ ra được những chương trình đầy màu sắc yêu thương, có độ "bao phủ" các chị em phụ nữ khó khăn và khi triển khai "thấm" đến từng hoàn cảnh. Không ai bị bỏ rơi, đó là điều tôi tâm đắc nhất", bà Nguyễn Thị Vân Lan khẳng định.
THANH VÂN