Đà Nẵng xây dựng hệ thống chính trị - 25 năm nhìn lại

.

Khi cùng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, cả tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều tập trung xử lý hai việc cấp thiết: xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng hạ tầng đô thị. Về hạ tầng đô thị, Quảng Nam có nhiều việc phải làm hơn Đà Nẵng, trong đó việc lớn nhất là đầu tư xây mới/nâng cấp các công sở, đường phố… nhằm phục hồi vai trò tỉnh lỵ của Tam Kỳ ngang tầm với đòi hỏi của giai đoạn phát triển sau-chia-tách; ngược lại, về xây dựng hệ thống chính trị, Đà Nẵng có nhiều việc phải làm hơn Quảng Nam, trong đó việc lớn nhất là thành lập và tái thành lập các đơn vị hành chính quận.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và kết quả các mặt công tác của thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chiều 22-11-2021. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và kết quả các mặt công tác của thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chiều 22-11-2021. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thành lập mới và tái thành lập các đơn vị hành chính

Nói tái thành lập các đơn vị hành chính quận là bởi trước khi thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng theo Quyết định số 228-CP ngày 30-8-1977 của Hội đồng Chính phủ nhằm thúc đẩy vùng đất Đà Nẵng phát triển đúng tầm, đưa Đà Nẵng trở thành thủ phủ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng một cách đầy thuyết phục, thì từ sau tháng 3-1975 đã có ba đơn vị hành chính cấp quận là quận I, quận II và quận III thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 1997, quận I được tái thành lập và quận mới được mang tên Hải Châu; quận II được tái thành lập và quận mới được mang tên Thanh Khê; quận III được tái thành lập và quận mới được mang tên Sơn Trà. Các phường trên địa bàn ba quận về cơ bản được giữ nguyên, trừ một số điều chỉnh cục bộ vào năm 2005 như chia tách phường Hòa Cường của quận Hải Châu thành hai phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam; chia tách phường Hòa Thuận của quận Hải Châu thành hai phường Hòa Thuận Đông và Hòa Thuận Tây; chia tách phường Thanh Lộc Đán của quận Thanh Khê thành hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây; chia tách phường An Khê của quận Thanh Khê thành hai phường An Khê và Hòa Khê.

Ngoài ra, vào thời điểm đầu năm 1997, có thêm hai đơn vị hành chính quận là Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Quận Liên Chiểu được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba xã Hòa Minh, Hòa Khánh và Hòa Hiệp - cũng là ba phường cùng tên (đến năm 2005 chia tách thành năm phường: Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam); quận Ngũ Hành Sơn được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai xã Hòa Hải, Hòa Quý với phường Bắc Mỹ An và hình thành ba phường Bắc Mỹ An (vào năm 1997), Hòa Hải, Hòa Quý (vào năm 1998) - đến năm 2005 tiếp tục chia tách phường Bắc Mỹ An thành hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ. Đến ngày 5-8-2005, theo Nghị định số 102/2005/NĐ-CP của Chính phủ, một đơn vị hành chính quận của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương là quận Cẩm Lệ tiếp tục được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Hòa Vang (các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân) và của quận Hải Châu (phường Khuê Trung) để hình thành sáu phường cùng tên.  

Với việc tái thành lập và thành lập mới ngần ấy đơn vị hành chính quận, có thể nói trong một phần tư thế kỷ vừa qua, thành phố Đà Nẵng chủ yếu tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở các quận nội thành đủ sức đảm đương yêu cầu lãnh đạo quản lý toàn diện trên địa bàn nội thành đang từng ngày đổi mới. Muốn tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở các quận, các phường nội thành, trước hết Đà Nẵng phải chăm lo tạo nguồn cán bộ.

Ở thời kỳ đầu tái thành lập và thành lập mới đơn vị hành chính quận, nhân sự của hệ thống chính trị các quận chủ yếu được huy động từ nguồn cán bộ, công chức của thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và từ nguồn cán bộ, công chức của các phường/xã trên địa bàn từng quận; chưa kể nhân sự của các đồn biên phòng, các quận đội và công an quận cũng như một số cơ quan ngành dọc khác.

Đây cũng là địa bàn mà trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị cấp thành phố, Đà Nẵng thường xuyên thực hiện việc luân chuyển để đào tạo cán bộ chủ chốt. Và với việc duy trì và thành lập mới ngần ấy đơn vị hành chính phường, cũng đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức để xây dựng hệ thống chính trị ở từng phường.

Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Những năm cuối thập niên 70, cũng như những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, hầu hết chức danh cán bộ chủ chốt cấp phường, xã ở Đà Nẵng là do công chức đã nghỉ hưu chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú đảm nhiệm, và rồi lớp hưu sau kế cận lớp hưu trước, cứ thế cứ thế…

Mô hình này càng ngày càng bộc lộ sự bất cập trong việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ phường, xã nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Chính vì thế ngay từ mấy năm cuối cùng của thế kỷ XX, Đà Nẵng đã đề ra chủ trương mang tính đột phá là các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường, xã chỉ được quy hoạch và bố trí đối với những cán bộ còn trong độ tuổi lao động.

Chủ trương này thực sự có sức thuyết phục, và chỉ sau một hoặc hai nhiệm kỳ, các chức danh bí thư và phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch HĐND/UBND phường, xã đều do cán bộ còn trong độ tuổi lao động đảm trách. Chủ trương này còn mở đường cho sự thành công của Đề án tạo nguồn hai chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã - còn gọi là Đề án 89 - khởi sự vào đầu năm 2008.

Có thể nói đây là một nỗ lực đáng kể của Đà Nẵng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt phường, xã - chứ không phải cán bộ phường, xã nói chung - theo hướng chuyên nghiệp hóa; đồng thời là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở các phường, xã.

Tuy nhiên vấn đề mà Đà Nẵng rất quan tâm trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị ở cấp phường (bao gồm các xã nông thôn và các phường không có biến động về địa giới hành chính) là hệ thống chính trị ở các tổ dân phố và các thôn - tức là cấp dưới phường, xã, và nguồn nhân lực nòng cốt trong hệ thống chính trị ở các tổ dân phố và các thôn vẫn chủ yếu dựa vào cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu.

Có thể nói nguồn nhân lực nòng cốt này là cánh tay nối dài không thể thiếu của hệ thống chính trị ở các phường, xã thành phố Đà Nẵng hiện nay. Cũng có thể nói chưa bao giờ vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong cộng đồng dân cư lại trở nên quan trọng, được đề cao và phát huy như lúc này, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhằm phát hiện tức thì - truy vết nhanh chóng - khoanh vùng cách ly triệt để.

Hơn lúc nào hết, người đứng đầu chi bộ khu dân cư phải thực sự trở thành ngọn cờ hiệu triệu đảng viên và quần chúng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống đại dịch, và cũng hơn lúc nào hết người đứng đầu chi bộ khu dân cư phải tỏ rõ năng lực điều hành, thậm chí phải thành thạo thuần thục công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng tiếp cận và cập nhật tình hình theo hai chiều trên xuống dưới lên… Và có thể nói đây cũng chính là thành quả 25 năm Đà Nẵng xây dựng hệ thống chính trị ở cấp dưới phường, xã trên địa bàn thành phố.

Hoạt động giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ
Hoạt động giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Hệ thống chính trị cấp thành phố ổn định

Trong hệ thống chính trị của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương trong một phần tư thế kỷ qua thì hệ thống chính trị cấp thành phố là ổn định hơn cả về mặt mô hình, chẳng hạn trong khi các quận và các phường đã hai lần thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân theo mô hình chính quyền đô thị thì hội đồng nhân dân thành phố vẫn luôn là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Và trong thời gian thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức hội đồng nhân dân quận và phường (trong giai đoạn 2009-2016 còn không tổ chức HĐND huyện Hòa Vang), HĐND thành phố có chức năng “ba cấp trong một cấp”, nhất là trong việc tiếp xúc cử tri và giám sát. Trong hệ thống chính trị cấp thành phố, có nhiều cơ quan/đơn vị/tổ chức chỉ có cấp thành phố, chẳng hạn như: Ban Nội chính Thành ủy, Báo Đà Nẵng, Trường Chính trị thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố… Điều này đặt ra cho hệ thống chính trị cấp thành phố một trách nhiệm rất lớn, bởi mức độ trong sạch vững mạnh của hệ thống chính trị ở cấp thành phố sẽ tác động, lan tỏa trực tiếp đến các hệ thống chính trị cấp dưới.

Nhiều năm qua, hệ thống chính trị cấp thành phố luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu: Đảng nói dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động dân theo, Chính quyền làm dân ủng hộ, và trên thực tế phụng sự nhân dân, hệ thống chính trị cấp thành phố và hệ thống chính trị toàn thành phố Đà Nẵng không ít lần từng đạt đến mục tiêu này.

Xin nói thêm về việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng. Thực chất hiện nay Đà Nẵng có ba mô hình chính quyền địa phương - một là mô hình chính quyền đô thị áp dụng cho tất cả các quận và các phường nội thành mà qua thực tiễn giai đoạn 2009-2016 có thể khẳng định là rất phù hợp và đang được kế thừa những kinh nghiệm hữu ích trong lần thí điểm này; hai là mô hình chính quyền đặc biệt chỉ có cấp huyện không có cấp xã áp dụng riêng cho huyện đảo Hoàng Sa mà qua thực tiễn từ năm 1982 đến nay cũng hoàn toàn phù hợp; ba là mô hình chính quyền nông thôn áp dụng cho huyện Hòa Vang và tất cả các xã trong huyện.

Nếu có vấn đề gì cần tiếp tục suy ngẫm nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương ở Đà Nẵng thì đó là việc mô hình chính quyền nông thôn có khả năng không còn phù hợp với huyện Hòa Vang - từng triển khai thành công mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2009-2016; đặc biệt sẽ không thật phù hợp với các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang tiến mạnh trên đường đô thị hóa. Nếu trong tương lai, huyện Hòa Vang đủ tiêu chuẩn được nâng cấp thành thị xã hay quận nội thành thì chắc phải tính đến phương án Đà Nẵng chỉ còn hai mô hình chính quyền địa phương: Mô hình chính quyền đặc biệt dành riêng cho huyện đảo Hoàng Sa và mô hình chính quyền đô thị chung cho Đà-Nẵng-đất-liền.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích